VKS đối đáp "bầu" Kiên và đồng phạm như thế nào?
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa chiều 30/5 (Ảnh: XH) |
Tiếp tục phần tranh tụng, HĐXX đã cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên đối đáp lại quan điểm cáo buộc của VKS đối với 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Bị cáo Kiên cho rằng: "Đối với tội kinh doanh vàng trái phép, VKS không nêu đầy đủ ý kiến của tôi, trong đó có văn bản phụ lục ký giữa ông Lê Quang Trung (đại diện Cty Thiên Nam) và ACB quy định rõ chức năng nhiệm vụ của ông Trung khi ra quá trình đặt lệnh, khớp lệnh, khẳng định tất cả là do ông Trung chứ không phải tôi. Trong phần trả lời VKS nêu rất nhiều văn bản nhưng văn bản quan trọng nhất thì không nêu. Phụ lục này ký sau khi hợp đồng ký với ông Trung. Ông Trung là người đặt lệnh và thực hiện bằng văn bản theo hợp đồng đã ký. VKS gán cho tôi là áp đặt, không có chứng cứ pháp lý, không đúng pháp luật.
VKS đã trích dẫn sai ý kiến của tôi: Tại quyết định 174 thì Ngân hàng nhà nước (NHNN) không có quy định nào về việc các sản phẩm tài chính phát sinh trong quyết định này. Tại Quyết định 04 của NHNN đưa ra các sản phẩm phát sinh nằm trong danh mục 04 điều chỉnh. Trước khi có những quy định này sản phẩm tài chính phát sinh không coi là sản phẩm hàng hóa đặc biệt NHNN quản lý. Nếu coi là hàng hóa bình thường, Cty Thiên Nam được phép giao dịch mà không cần giấy phép riêng. Nếu coi đây là sản phẩm đầu tư thì Cty Thiên Nam hoàn toàn được làm"
Về trốn thuế theo cáo buộc của VKS, VKS có nêu là trốn thuế vì không kê khai thuế đầy đủ, rất đáng tiếc rằng các vị này đã không đọc hồ sơ Công ty B&B. Việc kê khai thuế là việc phải thực hiện hàng tháng, quý năm chứ không phải ngày 24/6/2009 mới phải kê khai thuế. Tôi đảm bảo trong các bản khai chi tiết của Cty B&B gửi chi cục thuế Đống Đa thể hiện đầy đủ 2 hạch toán giữa Cty B&B và Ngân hàng ACB, giữa Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên - PV) và Cty B&B, được ghi nhận chính xác trong các báo cáo tài chính của Cty, khai thuế đúng luật.
Khi đoàn thanh tra đến Cty đã xuất trình 2 hợp đồng, các phiếu lệnh đầy đủ các quy định không thiếu một tý nào vì tôi là người đại diện Cty làm việc với đoàn thanh tra, đoàn thanh tra cũng nói rằng không nhận thấy sai phạm gì. Tôi chỉ chứng minh rằng các báo cáo tài chính của Cty 30/3, 30/6, 30/9/2009 và 31/12/2009 đều đã kê khai đầy đủ còn việc kê khai đó như thế nào xin phép đại diện VKS kiểm tra.
Để có thể tính được thu nhập của Cty thì Cty phải lấy tổng thu trừ tổng chi mà hợp đồng của bà Hương có thể cấu thành tổng thu và tổng chi, từ đó mới ra được nghĩa vụ Cty phải nộp. Nếu hợp đồng có phát sinh lợi nhuận thì Cty phải nộp thuế thay bà Hương theo các quy định của pháp luật. Vì 31/12/2009 Hương bị lỗ nên Cty không tiến hành kê khai nộp thuế của Hương nhưng có kê khai trong báo cáo tài chính. Khi không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế sao bắt tôi phải nộp thuế?
Cho đến hôm nay, tôi rất may mắn rằng trong quy định mới của NHNN có một câu VKS không nêu: người dân khi giao dịch mua bán vàng với ngân hàng, doanh nghiệp chỉ được phép giao dịch với những tổ chức được phép giấy phép đăng ký vàng chứ không quy định người dân phải có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh cá thể như ý kiến của Tổng cục thuế.
Các văn bản viện dẫn của VKS đưa ra không đúng pháp luật, không có cơ sở pháp lý.
Vào thời điểm Hương ký thỏa thuận với Cty B&B, hơn 1000 doanh nghiệp Việt Nam ký như thế, tại ACB cũng rất nhiều nhân viên ký với ACB như thế. Rất nhiều đoàn kiểm tra nhưng không một ai, cơ quan nào nói rằng đây là các hợp đồng vô hiệu, trái pháp luật. Vì sao Hương lại khác biệt với những hợp đồng khác, công dân khác? Hay vì Hương là em Kiên? Tôi cho rằng đó là trái quy định ghi trong Hiến pháp là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Đại diện VKS đưa ra, đây là hợp đồng có vấn đề vì em tôi không bỏ vốn ra mà lại hưởng lãi, không làm gì, VKS không nêu ra, lãi thì hưởng, lỗ phải chịu. Trên thực tế em tôi đã phải chịu lỗ. Tôi và Hương, em gái tôi, đã phải bỏ 96 tỷ để trả cho phần lỗ. Không nêu những gì trên thực tế của hoạt động kinh doanh. Không có cơ sở pháp lý nào để nói rằng hợp đồng của Hương là vô hiệu.
Cho dù hợp đồng của Hương bị tuyên vô hiệu thì bản giám định của giám định viên cũng không có giá trị pháp lý để buộc tội Cty trốn thuế. Không phải bây giờ tôi mới nói mà trong bản cung đã đề nghị cơ quan điều tra giúp tôi xem các quy định của pháp luật sau khi hợp đồng vô hiệu thì Cty phải thực hiện nghĩa vụ gì.
Nhân đây, tôi nói hộ vợ tôi, Cty B&B có trách nhiệm xác định lại kết quả báo cáo tài chính đến 31/12/2009 để đưa ra giả định trong trường hợp hợp đồng vô hiệu thì có phải nộp thuế không. Tôi xin khẳng định với trí nhớ của tôi, trong mọi trường hợp Cty không phải nộp thuế nếu HĐXX cho kiểm tra lại nghĩa vụ nộp thuế tại Cty này. Khi không phải nộp thuế thì đương nhiên không có hành vi trốn thuế.
Cho dù cơ quan thuế áp đặt việc phải nộp thuế, trong đơn tôi đã nói tôi sẵn sàng nộp thuế. Cuối cùng hoạt động kinh doanh là lỗ hay lãi thì không có trường hợp nào là trốn thuế.
Đề nghị chủ tọa trước khi nghị án đề nghị yêu cầu giám định tài chính giám định lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Cty trong trường hợp Cty bị hợp đồng tuyên vô hiệu để xác định Cty có phải nộp thuế không để HĐXX có trốn thuế không? Đây là việc vô cùng cần thiết.
Tôi vô cùng cám ơn ông đại diện VKS đã nói câu, hành vi lừa đảo của tôi được xác lập ngay sau khi Cty nhận được tiền của người mua.
Tôi không có bất kỳ khiếu nại nào với Hòa Phát, kể cả hành vi đó đã vi phạm pháp luật. Tôi không tố cáo họ và không yêu cầu các cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp liên quan đến họ. Tôi cho rằng sai sót không cố ý, họ là bạn bè tôi, tôi không gây khó khăn cho họ.
VKS nói rằng tôi có ý thức chiếm đoạt. Khi tôi biết ý kiến của chị Yến kế toán Cty ACBI thông báo về việc chưa giải chấp, không phải là trả lời của Cty ACBS, không phải trả lời của ACB mà là ý kiến trao đổi nghiệp vụ của nhân viên với nhân viên. Khi Cty ACBI có văn bản hỏi Cty ACBS thì Cty ACBS phải có văn bản trả lời. Khi đó mọi giao dịch không phải là chính thức.
Sau khi tôi biết đã chuyển tiền mà chưa giải chấp tôi đã làm gì? Hôm qua tôi đã chứng minh là tôi yêu cầu nhiều lần ACB họp với tôi và thực tế cuộc họp diễn ra từ 1/8 nêu rõ ý kiến của tôi và các thỏa thuận của tôi với ACB. Tôi đã nỗ lực chứng minh rằng tôi cần giải chấp để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tôi không có bất kỳ chỉ đạo nào, yêu cầu nào của tôi với Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến (Cty ACBI) để làm trái pháp luật vì ở đây ghi rõ người nào ý thức được việc làm nào gây ảnh hưởng. Không có chỉ đạo nào là chiếm đoạt, trái pháp luật. Tôi khẳng định đến hôm nay tôi đã nỗ lực để tập đoàn Hòa Phát không có điều gì. Tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ khi xảy ra, cam kết này có cả trước khi khởi tố.
Tôi và lãnh đạo Hòa Phát là bạn bè, tôi không có khiếu nại gì và tôi tin họ không kiện gì tôi, không khiếu nại tôi.
Đối với tội cố ý làm trái, một lần nữa tôi xác định tôi không yêu cầu ai, chỉ đạo ai thông qua ai bằng bất kỳ hình thức nào qua cuộc họp 22/3/2010. VKS đã quy chụp tôi không căn cứ vào các quy định của pháp luật. Tại thời điểm 22/2/2010 quyết định này có vi phạm pháp luật ko? Chỉ đến năm 2012 NHNN mới đưa ra khái niệm nếu có phát sinh hoạt động khác thì phải xin phép NHNN. Trước khi có quy định này, không phải xin phép NHNN. Tôi muốn được ghi nhận. Nó khác biệt hoàn toàn thời điểm, tính chất, chưa cần xin phép NHNN.
Đại diện VKS nói rằng chúng tôi đã biết rủi ro nhưng vẫn làmuên rằng các thành viên thường trực HĐQT, họ có quyền đưa ra yếu tố rủi ro để cân nhắc, thể hiện họ có trách nhiệm. Cân đối rủi ro và hành lang pháp lý, cho rằng kiểm soát đó không gây thiệt hại cho ngân hàng nên đưa ra quyết định đó tại thời điểm đó không trái pháp luật.
Đại diện VKS nêu khá đầy đủ nhưng chưa nêu hết điều lệ ACB nêu rõ, người nào không vì lợi ích cá nhân mà gây thiệt hại thì không chịu trách nhiệm, nếu không vì lợi ích cá nhân thì ACB chịu trách nhiệm. Ngân hàng ACB tuyệt đối tuân thủ NHNN.
"Tôi đã khẳng định rằng, tôi chưa nói rằng 718 tỷ đúng hay sai thì tôi khẳng định người có quyền xác định thiệt hại hay không là đại hội cổ đông ACB, mà chưa có một quyết định nào xác lập rằng chúng tôi là người gây thiệt hại. Vì sao thường trực ACB đồng ý ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank. Tôi và nhiều ngân hàng khác đã báo cáo thống đốc về thực trạng các ngân hàng đang phải ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác. Thống đốc kết luận: Do trong thời gian qua NHNN ban hành một số chính sách không phù hợp quy luật thị trường gây khó khăn trong hoạt động, NHNN đã ý thức việc này và đang tích cực đưa ra các quy định mới giúp các ngân hàng thực hiện tốt hơn vì thế NHNN không truy cứu hoạt động gửi tiền, cho vay của các ngân hàng thời gian qua.
VietinBank là ngân hàng cổ phần nhà nước, chủ tịch và 1 số thành viên khác đại diện phần vốn của NHNN, phải chịu trách nhiệm trước tài sản của họ. Những điều trên cho rằng vụ án này độc lập với vụ án ở TP HCM, hành vi trách nhiệm của VietinBank tại vụ án này hoàn toàn khác với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Đề nghị HĐXX xem xét VietinBank không phải là có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan.
Về việc cố ý làm trái mua cổ phần, điều đầu tiên buộc tội người khi hành vi đó gây thiệt hại. Không có căn cứ nào xác định ACB thiệt hại do đầu tư cổ phiếu ACB. Một lần nữa tôi đề nghị đại diện VKS đưa cho tôi bằng chứng, chứng cớ rằng tôi đã cố ý làm trái bằng một tài liệu rõ ràng. VKS đều quy cho tôi chủ mưu, chỉ đạo, tổ chức, tôi cần phải chứng minh cho HĐXX thấy và tôi khâm phục rằng tôi chủ mưu là tôi phải bàn bạc với ai, nội dung bàn bạc ấy được xác định tại thời điểm nào, nội dung gì , ý kiến của những người dự họp nói rằng họ đưa bằng chứng văn bản là tôi chỉ đạo ép buộc yêu cầu họ thực hiện các hành vi trái pháp luật. Nếu không cung cấp được thì không có căn cứ đầy đủ buộc tội tôi.
Tôi không cố ý làm trái pháp luật trong bất kỳ trường hợp gì, không chỉ đạo, yêu cầu, ép buộc ai thực hiện bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật. Đề nghị VKS cân nhắc khi đánh giá các thiệt hại, nếu chưa xác lập thì không đủ điều buộc tội".
Tại tòa các cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải cho rằng, thời điểm đó hoạt động ủy thác không bị cấm, nhiều nội dung VKS quy kết không hợp lý mong HĐXX xem xét.
Sau phần trình bày của các bị cáo, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đối đáp rõ ràng: "Các bị cáo và luật sư có nói nhiều về việc đặt vấn đề cáo trạng số 10 cho rằng cuộc họp 22/3/2010 của thường trực HĐQT ACB đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền là không đúng theo Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng. Cáo trạng không nói vậy mà khi luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực mà vẫn làm, tiếp tục thực hiện trái với Điều 106.
Về phần thiệt hại của 718 tỷ đồng thì theo cáo trạng, luận tội cũng đã nói rất rõ, 718 tỷ đồng tại VietinBank thì quan điểm VKS nói rõ Huỳnh Thị Huyền Như (cán bộ ngân hành Vietinbank) chiếm đoạt số tiền các nhân viên ACB gửi cho VietinBank. Huyền Như chiếm đoạt tiền số tiền này của ACB. Vì Huyền Như bị khởi tố tại một vụ án khác nên tại phiên tòa này HĐXX không buộc các đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường là ai, nếu đặt ra điều đó thì mới là án chồng án.
Về ông Phạm Trung Cang, chúng tôi đã giải thích rõ quyết định đình chỉ. Nói rõ trong hồ sơ vụ án. Trong cáo trạng luận tội cũng ghi rõ là truy tố bị cáo về 2 hành vi ban hành chủ trương đầu tư cổ phiếu và thực hiện ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại VietinBank. Lý do VKS vẫn xử lý là với các hành vi của bị cáo với 718 tỷ là bị cáo ở thời điểm từ nhiệm nhưng vẫn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng tín dụng ở ACB, tại thời điểm mà ACB thực hiện việc ủy thác nên việc truy tố hành vi đã rõ.
Riêng với Lý Xuân Hải luật sư có yêu cầu trả lời rõ, bị cáo được tham gia bàn bạc đầu tư cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu ACB, sau đó với tư cách tổng giám đốc ACB, người điều hành cao nhất được giao trách nhiệm kiểm soát hạn mức cho vay và được nhận báo cáo hàng ngày. Với lý do đó đủ các điều kiện để thực hiện hành vi mua cổ phiếu. Với các hành vi khác, vị trí và vai trò tính chất mức độ của các bị cáo khác, văn bản pháp luật viện dẫn căn cứ đã được trình bày khá chi tiết và cụ thể. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm và không trình bày thêm".
18h30’ tòa nghỉ. 8h sáng 2/6 HĐXX tiếp tục làm việc.