Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp chưa rõ ràng
|
Luật sư Nguyễn Trí Tú, Giám đốc Công ty luật Minh Đức, Hà Nội. Ảnh. Xuân Hải. |
Thưa ông, một số ý kiến đề nghị trong thời gian tới cần giao cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trách nhiệm khởi tố vụ án dân sự, khởi tố vụ án hành chính nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, hiện nay, vai trò của VKSND chỉ nổi bật trong các vụ án hình sự, nhưng chưa rõ ràng trong các vụ án dân sự và hành chính, một phần là vì trong các vụ án dân sự và vụ án hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích bị xâm phạm thường phải tự mình nộp đơn kiện, khiếu nại và phải tự mình chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại để bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu bồi thường thiệt hại với sự xem xét của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đối với các lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng bị xâm phạm thì rất cần có một đại diện đứng ra bảo vệ, hay như đối với những người chưa thành niên người có nhược điểm về thể chất và tâm thần thì họ chưa thể hoặc không thể tự mình đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình do đó cần có một cơ quan đứng ra giúp họ bảo vệ quyền lợi. Vì vậy ý kiến để nghị giao thêm cho VKSND trách nhiệm khởi tố vụ án dân sự, vụ án hành chính nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điềm về thể chất và tâm thần là hợp lý.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần giao cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, bổ sung thêm chức năng này cho VKSND nhằm đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Các cơ quan chức năng của nhà nước hàng năm ban hành ra hàng loạt các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế không phải văn bản nào được ban hành cũng đảm bảo tính hợp hiến. Có những văn bản, những điều luật được ban hành ra nhằm điều chỉnh cùng một vấn đề nhưng nhiều khi lại mâu thuẫn lẫn nhau, thậm chí là mâu thuẫn với Hiến pháp. Do đó, trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần có sự kiểm tra, rà soát chặt chẽ và ý kiến chuyên môn thực tế của nhiều ban ngành để đảm bảo được nguyên tắc pháp chế cho văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc trao thêm quyền kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật cho VKSND là không hợp lý vì như thế sẽ làm cho vai trò của VKSND quá to lớn. Có chăng, nên xem xét việc lập ra một cơ quan chuyên trách gồm các nhà chuyên môn, cũng như đại diện các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có VKSND để rà soát các văn bản pháp luật trước khi ban hành.
Thưa ông, nếu VKSND có chức năng kiểm sát các văn bản pháp luật thì việc ban hành quyết định thu hồi đất và cưỡng chế đất như đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng có xảy ra những việc đáng tiếc không?
Trước hết, phải nói rằng các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế đất đai đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn là các “văn bản áp dụng pháp luật”. Như đã nói ở trên thì việc giao cho VKSND việc kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật là không hợp lý. Tuy nhiên, để tránh các hậu quả xấu có thể xảy ra như trường hợp của gia đình ông Vươn, có thể quy định thêm về việc lấy ý kiến của VKSND trước khi ban hành các văn bản áp dụng pháp luật trong một số lĩnh vực tranh chấp cụ thể như đất đai, xây dựng…
Ông có ý kiến như thế nào đối với việc cần thiết phải bổ sung nhiệm vụ cho VKSND trong việc kiểm sát xử lý vi phạm hành chính, kiểm sát văn bản?
Thực tế, Hiến pháp Việt Nam năm 1992, quy định tại chương X, từ điều 137 đến 140 cũng đã quy định và trao quyền cho Viện kiểm sát trong việc “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Như vậy, vấn đề chỉ là làm rõ hơn, chi tiết hơn vai trò của VKSND trong các văn bản luật.
Như đã phân tích ở trên thì nên bổ sung quyền hạn cho VKSND trong việc kiểm sát xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đối với các văn bản pháp luật thì chưa thể trao quyền kiểm sát cho VKSND mà chỉ nên dừng lại ở việc lấy ý kiến. Việc xem xét bổ sung cần đặt trong tỉnh tổng thể, hệ thống, tránh việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Bộ Tư pháp và các cơ quan ban ngành khác.
Xin cảm ơn ông!