Tướng cướp Hồ Duy Trúc có thể sẽ không bị thi hành án tử?
Ngày 27/11 vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ Luật hình sự mới được Quốc hội thông qua.
Hồ Duy Trúc trong phiên xử phúc thẩm ngày 24/3/2014. |
Trong điểm b, khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này nêu rõ: “Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân”.
Áp dụng điều này vào trường hợp của Hồ Duy Trúc (22 tuổi, ngụ Ninh Thuận) – người đã bị tuyên án tử hình cho tội “Cướp tài sản” có thể thấy rằng Trúc thuộc trường hợp sẽ được giảm xuống thành án chung thân.
Tuy nhiên trao đổi với PV Infonet, luật sư Phạm Công Út – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết điều này mới chỉ đúng… một nửa.
Lý do là luật mới sẽ được áp dụng từ 00g00' ngày 1/7/2016, nên tình huống Trúc được giảm xuống án chung thân sẽ chỉ xảy ra nếu đến thời điểm đó Trúc chưa bị thi hành án tử hình.
Điều này không chỉ đúng với Trúc mà còn với tất cả tội phạm thuộc các trường hợp mà Nghị quyết số 109/2015/QH13 quy định. Cũng theo luật sư Út thì những điều khoản này được áp dụng theo nguyên tắc “có lợi cho bị can, bị cáo”.
“Sau khi được giảm án xuống chung thân họ hoàn toàn có thể được giảm tiếp xuống các hình phạt tù có thời hạn nếu có những tình tiết giảm nhẹ hoặc cải tạo tốt” – luật sư Út nói.
7 tội danh tử hình bị bỏ trong Bộ Luật hình sự 2015 gồm: 1. Cướp tài sản; 2. Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; 3. Tàng trữ trái phép chất ma túy; 4. Chiếm đoạt chất ma túy; 5. Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; 6. Chống mệnh lệnh; 7. Đầu hàng địch.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội, hoặc khi xét xử. Luật cũng mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: người từ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Cáo trạng vụ án của Trúc và đồng phạm cho thấy, chiều ngày 24/11/2012 sau khi uống rượu tại phòng trọ của Nguyễn Văn Luông, 4 đối tượng bao gồm Luông, Hồ Duy Trúc, Nguyễn Hoàng Phương, Huỳnh Thanh Sơn đã lên kế hoạch rủ nhau đi cướp xe máy bán lấy tiền tiêu xài.
Các bị cáo trong vụ án. |
Khoảng 20h cùng ngày, các đối tượng đi trên hai xe máy với hung khí mang theo là một con dao kim loại màu trắng. Khi chuẩn bị qua cầu Phú Mỹ (quận 2) thì phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc T. đang điều khiển xe máy hiệu Honda SH lưu thông cùng chiều.
Thấy vậy Luông cho xe vượt lên chặn đầu xe chị T., Trúc ngồi sau cầm dao chém một nhát trúng mặt sau cẳng tay phải, một nhát trúng mu cổ bàn tay phải, một nhát trúng mu cổ bàn tay trái làm chị T. ngã xuống đường.
Trúc đến đề máy nhưng xe không nổ nên bỏ lại. Cùng lúc này Phương chở Sơn chạy tới giật chiếc ví bên trong có hơn 4 triệu đồng, sau đó cả nhóm tẩu thoát ngược về hướng cầu Phú Mỹ.
Bên cạnh vụ án gây chấn động dư luận nêu trên, các đối tượng còn gây ra 16 vụ án khác (hai vụ chưa tìm được nạn nhân sẽ được tách ra xử riêng) với thủ đoạn tương tự, gây thương tích cho nhiều người, cướp được nhiều xe với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tại phiên xử sơ thấm ngày 25/11/2013 Trúc bị tuyên án tử hình, các bị cáo Nguyễn Hoàng Phương (20 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bị tuyên 20 năm tù, Huỳnh Thanh Sơn (31 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị tuyên 18 năm tù, Trần Văn Luông (25 tuổi, ngụ Bến Tre) bị tuyên chung thân, Trần Thanh Tuyền (22 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bị tuyên 12 năm tù cùng về tội “cướp tài sản”.
Sau đó các bị cáo Trúc, Luông, Tuyền, Sơn đã làm làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên HĐXX phúc thẩm ngày 24/3/2014 đã bác kháng cáo, tuyên y án.