Truy xe vi phạm luật giao thông từ clip của dân: Có sự hiểu sai?
Một số báo đưa tin với nội dung, Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, quy định tăng mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt. Đáng chú ý, Nghị định bổ sung nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan công an.
Điều này khiến dư luận xôn xao. Nhiều câu hỏi đặt ra về việc thẩm định các clip do người dân cung cấp như thế nào, giá trị pháp lý của những video clip đó ra sao. Tuy nhiên đọc đi đọc lại nhiều lần Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người viết bài này không phát hiện dòng nào có nội dung như vậy.
Phải chăng, có sự hiểu sai lênh về điều 79, Nghị định 46? Điều 79 này quy định về sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nội dung này cũng quy định rất khắt khe với với nhân viên, tổ chức cung cấp hình ảnh. Quy định này, tuyệt nhiên không hề nhắc đến việc sử dụng hình ảnh của người dân cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính trong linh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Thêm vào đó, trên cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ cũng đăng tải bài viết với tiêu đề “Xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh do người dân cung cấp, vấn đề cần được hiểu đúng”. Nội dung nêu rõ, những ngày vừa qua, báo chí liên tiếp phản ánh thông tin về việc từ ngày 01/8/2016 người dân có thể cung cấp các hình ảnh, video clip ghi nhận các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho lực lượng Cảnh sát giao thông để xử phạt vi phạm hành chính. Về thông tin trên, cần được hiểu đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.Bài viết diễn giải, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với lĩnh vực giao thông là lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải…) được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Điều 79), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016, đã bổ sung việc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sử dụng làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Bài viết kết luận, điểm mới của Nghị định 46 về vấn đề này là mở rộng chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên không có quy định mở rộng đối với việc cá nhân (người dân) cung cấp hình ảnh, clip để lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Luật xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên với trách nhiệm trong việc phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có thể cung cấp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính những hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm TTATGT do quay, chụp được khi tham gia giao thông. Đó có thể được coi là nguồn tham khảo trong quá trình xác minh, thu thập thông tin, làm rõ vi phạm.
Phát hiện xử lý xe chạy ngược chiều trên cầu Nhật Tân từ video của người dân |
Nói về vấn đề sử dụng hình ảnh để xử phạt hành vi vi phạm giao thông đường bộ đường sắt, trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Danh Huế (công ty luật Bắc Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi đây là một quy định hết sức tiến bộ và văn minh. Cách thức này đang được áp dụng khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Việc dùng hình ảnh clip để làm căn cứ xử phạt vi phạm giao thông sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giúp giảm tải công việc, tránh lãng phí và tiết kiệm cho các cơ quan thực thi pháp luật và trên hết quy định này sẽ nâng cao được ý thức pháp luật của người dân”.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cơ quan chức năng sử dụng hình ảnh của người dân làm nguồn tham khảo trong việc xử lý vi phạm giao thông, Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Người dân hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đều có quyền và nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ thể hiện một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bởi cơ quan nhà nước nhiều khi không kiểm tra, rà soát hết tất cả những hành vi vi phạm diễn ra khắp nơi, mọi địa điểm và thời gian.
Do vậy, việc phát hiện hay cung cấp chứng cứ vi phạm của người dân là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn, xử phạt vi phạm. Việc làm này vừa bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, tránh gây mất trật tự an toàn xã hội và hạn chế các thiệt hại phát sinh khác cho xã hội”
“Điều 79. Sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72 và Điều 73 của Nghị định này được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cần kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
2. Phương tiện, thiết bị quy định tại Khoản 1 Điều này trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị quy định tại Khoản 1 Điều này phải đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Yêu cầu đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Là nhân viên của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt;
b) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
c) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan;
d) Thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ”- Trích Nghị định 46/2016/NĐ-CP.