Trộm chó, dùng súng chống trả, bị đánh chết: Cái ác liên hoàn!
Theo thông tin báo chí, trước đó, trưa 5/4, phát hiện người đàn ông đi xe máy biển kiểm soát tỉnh Bắc Ninh đang bắt trộm chó của một gia đình ở thôn Yên Sơn (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), hàng chục người dân hô hoán rồi truy đuổi.
Bị truy đuổi từ nơi gây án đến xã Minh Đức (huyện Việt Yên), kẻ nghi trộm chó rút súng ngắn bắn trả nhiều lần vào đám đông phía sau nhưng không trúng ai. Sau gần 10 km, đám đông đuổi kịp và bắt giữ được người đàn ông này. Sau đó, người đàn ông này được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong vào chiều cùng ngày.
Khẩu súng mà nghi phạm trộm chó sử dụng để bắn về phía người truy đuổi - Ảnh: Facebook/NLĐ |
Sự việc vừa mới xảy ra, khiến xã hội không khỏi giật mình về một “cao trào” mới của nạn trộm chó, chống trả và bị đánh hội đồng. Không phải bây giờ chuyện trộm chó bị đốt xe, bị đánh chết hay trộm chó dùng súng điện bắn chết người truy đuổi mới xuất hiện. Dường như nó đã trở thành hiện tượng nhức nhối của xã hội và rất cần những giải pháp thấu đáo để giải quyết vấn đề.
Xét về mặt tâm lý, người dân bị mất chó càng bức xúc càng căm tức kẻ trộm chó. Càng căm tức người dân càng dễ manh động đánh đập khi bắt được kẻ trộm chó. Càng bị đánh đập khi bị bắt, kẻ trộm chó càng nghĩ cách thoát, trong đó có việc đánh trả, bắn trả. Thực tế, đã có người dân truy đuổi trộm chó bị bắn chết. Càng như vậy, người dân càng căm phẫn kẻ trộm chó, họ không nương tay nếu bắt được. Ngược lại, kẻ trộm chó cũng sẽ càng manh động hơn khi bị truy đuổi.
Nói như một số chuyên gia pháp luật, hiện tượng này đang bị đẩy lên đến mức dùng hành vi trái pháp luật chống lại hành vi trái pháp luật. Hay nói một cách khác, “cái ác” đang liên hoàn trong hiện tượng này.
Nhìn dưới góc độ pháp luật về hiện tượng này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TpHCM) cũng nhận định về vụ việc ở Bắc Giang như sau: “Điều đó cho thấy hành vi trộm chó ngày càng liều lĩnh, bất chấp sự phẫn nộ của dư luận và phản ứng quyết liệt của người dân. Bình thường, người trộm chó không trang bị vũ khí để chống lại người bắt trộm cũng đã bị người dân tự "xử lý" mạnh tay, trong vụ này kẻ trộm lại dùng cả súng để chống cự, thì nhận hậu quả như vậy cũng là điều dễ hiểu”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) |
Tuy nhiên, Luật sư Hưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao người dân lại phản ứng với nạn trộm chó mạnh như vậy? Tại sao họ không hành xử đúng pháp luật như bắt kẻ trộm giao cho công an mà lại tự xử lý? Tại sao nạn trộm chó lại không giảm? Theo luật sư Hưng, để hạn chế nạn trộm chó và các hệ lụy của nó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm lời giải cho các câu hỏi trên.
“Còn quan điểm cá nhân tôi thì người dân không nên dùng một hành vi pháp luật để chống lại một hành vi pháp luật, vì hành vi đánh chết kẻ trộm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- Luật sư Hưng chia sẻ.
Xét về mặt hành vi, Luật sư Hưng lý giải, hành vi dùng súng đi trộm chó là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu về hành vi trộm cắp tài sản và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép.
Ngoài ra, nếu đã nổ súng, gây hậu quả chết người, hành vi này còn bị truy cứu thêm tội giết người. Tuy nhiên, trong trường hợp này, kẻ trộm đã chết nên không khởi tố các hành vi này. Còn những người dân tham gia đánh chết tên trộm, tùy theo hành vi, tính chất mức độ sẽ bị truy cứu về hành vi giết người, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Truy cứu tội gì, cơ quan điều tra cần xem xét thấu đáo về hoàn cảnh, điều kiện, công cụ phạm tội.
Trước băn khoăn, người dân có được xem xét phòng vệ chính đáng khi đối tượng dùng súng bắn trả, theo luật sư Hưng, theo quy định tại khoản 1 điều 15 BLHS thì phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Như vậy, phải xem hành vi chống trả cho người dân có tương xứng không? Trong trường hợp đã hoàn toàn kiểm soát được tên trộm mà vẫn đánh chết họ, thì không thể xem là phòng vệ chính đáng được.
Vậy giải pháp nào để hạn chế tình trạng trộm chó, chống trả, bị đánh chết, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng cung cấp thêm: “Trước đây, theo luật cũ thì hành vi trộm chó khó truy cứu trách nhiệm hình sự do vướng giá trị tài sản, phải từ 2 triệu đồng trở lên mới truy cứu được, trong khi giá trị một con chó thường dưới 1 triệu đồng. Nay, theo tinh thần của BLHS sửa đổi, nếu giá trị con chó dưới 2 triệu đồng vẫn có thể truy cứu do có tình tiết gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Do đó, người dân nên bắt giữ và giao nộp đối tượng này cho cơ quan Công an, không nên đánh đập dẫn đến chết người. Khi xảy ra hậu quả chết người, bản thân những người dân đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, mà càng làm cho các đối tượng manh động hơn, chống trả cho đến chết thì hậu quả sẽ càng lớn hơn.
Mặt khác, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên nuôi chó thả rông. Nuôi chó thả rông vừa không đảm bảo an toàn cho người xung quanh, đồng thời làm mồi kích thích kẻ ăn trộm chó.