Triệu tập hàng loạt bị án đến phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn
Bà Phấn đang nằm điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: CTV) |
Ngày mai (15/11), TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ bà Hứa Thị Phấn cùng năm đồng phạm giai đoạn 2 gây thiệt hại tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank). Dự kiến phiên xử diễn ra tới ngày 25/11.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM. Vụ án được xét xử bởi hội đồng năm người gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.
Theo đó, thẩm phán còn lại trong phiên xử này là ông Nguyễn Văn Hà, thẩm phán dự khuyết là ông Đặng Hồng Sơn. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa là ông Nguyễn Văn Đông, ông Ngô Phạm Việt và bà Trần Thị Liên.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa xác định nguyên đơn dân sự vụ án là Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Tám pháp nhân được xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa là Ngân hàng Nhà nước, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty TNHH Thẩm định giá Năm Thành Viên, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Hồng Đức, Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn và Công ty cổ phần Phú Mỹ.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 91 cá nhân tham gia phiên tòa gồm một loạt các bị án như Phạm Công Danh, bị án Phan Thành Mai, bị án Hoàng Văn Toàn, bị án Nguyễn Vĩnh Mậu, Trần Sơn Nam...
Bị án Phạm Công Danh được tòa triệu tập đến phiên tòa. (Ảnh: HY) |
Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn có luật sư Phạm Ngọc Trung và Lại Huy Tùng. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan có luật sư Ngô Kim Lan. Ba bị cáo Lâm Kim Dũng, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo có cùng luật sư Nguyễn Thị Bích và bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung có luật sư Đỗ Hải Bình.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị án Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Trung. Các luật sư đều thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.
VKS truy tố bà Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt 12-20 năm tù.
Cùng hầu tòa với bà Phấn là Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (cựu giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (cựu giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách Phòng Ngân quỹ TRUSTBank, Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (cựu nhân viên TRUSTBank).
VKS xác định bà Phấn chiếm đoạt của TRUSTBank hơn 1.338 tỉ đồng. Bà Phấn là chủ mưu trong vụ án và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền này. Các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm, giúp sức.
Cụ thể, bà đã lợi dụng việc giữ gần 85% vốn điều lệ TRUSTBank để nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động với mục đích chiếm đoạt tiền do ngân hàng này huy động tiền gửi của các tổ chức và cá nhân.
Bà Phấn đã trực tiếp chỉ đạo làm các thủ tục để ngân hàng đầu tư trái pháp luật gần 1.040 tỉ đồng vào bốn dự án bất động sản do ba công ty của bà là Công ty cổ phần Phú Mỹ, Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ. Số tiền này sau đó bị bà rút ra để chiếm đoạt cá nhân.
Ngoài ra, bà Phấn còn trực tiếp chỉ đạo Loan và một số người mua và nâng khống giá trị bốn bất động sản tại TP.HCM và Khánh Hòa. Sau đó, bà dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành TRUSTBank mua bốn bất động sản nói trên với tổng giá trị trên 661 tỉ đồng.
Qua đó, bà chiếm đoạt hơn 437 tỉ đồng của TRUSTBank. Do ngân hàng đã vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định hiện bốn bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Liên quan đến vụ án này, VKS cho biết để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, quyền và lợi ích của các bên liên quan, CQĐT đã kê biên 114 bất động sản từ ngày 13/2/2017 giao cho Ngân hàng CB quản lý.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng tách nội dung bà Phấn tố cáo Công ty Phương Trang chiếm đoạt 748,2 tỉ đồng chờ kết quả đối chất hai bên để kết luận xử lý sau.
Cáo trạng của VKS cũng đề nghị HĐXX căn cứ vào kết quả điều tra tại tòa quyết định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo.
Trước đó, vào tháng 5/2018, bà Phấn bị TAND Cấp cao tại TP Hà Nội tuyên phạt mức án 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tháng 11/2018, bà tiếp tục bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt bà phải chấp hành là 30 năm tù.
Tuy nhiên, từ ngày 6/3/2017, bà Phấn nhập viện tại BV đa khoa Tân Hưng, quận 7, TP.HCM trong tình trạng tăng huyết áp độ 3/4 và tiểu đường tuýp II.
Từ đó đến nay, CQĐT đã nhiều lần đến bệnh viện để tiến hành hỏi cung nhưng bị can khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Các luật sư bị can kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe bị can tốt hơn. Vì vậy kể từ khi khởi tố đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa thể hỏi cung bị can Phấn về hành vi phạm tội...