Trao nhầm con 42 năm: Người dân có quyền khởi kiện
- Thưa luật sư, Hà Nội mới thêm một trường hợp nhầm con cách đây 29 năm tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Cả hai trường hợp bị trao nhầm này đều chưa tìm được người ruột thịt. Các cơ quan chức năng đã tích cực giúp đỡ họ tìm kiếm thân nhân. Trên phương diện pháp luật, theo ông, người dân có quyền khởi kiện vụ việc này ra tòa hay không khi họ có đầy đủ giấy chứng sinh, giấy xét nghiệm ADN xác định không phải mẹ con?
Ls. Ths Phạm Thanh Bình: Điều 160 BLDS năm 2005 quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;
2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Đối chiếu quy định này với trường hợp của những người dân bị trao nhầm con thì đây thuộc trường hợp “quyền nhân thân bị xâm phạm” và ở thời điểm hiện tại, những người dân này hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết vụ án để bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm. Tuy nhiên, khi khởi kiện người khởi kiện phải xác định được đối tượng có lỗi trong vụ việc này là ai để khởi kiện, kèm theo các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện..
- Vậy cụ thể trong hai trường hợp cụ thể này, nếu tiến hành khởi kiện người dân cần phải chuẩn bị những gì thưa luật sư?Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định của pháp luật về tố tụng thì khi tiến hành khởi kiện, người khởi kiện cần chuẩn bị đơn khởi kiện được ban hành theo mẫu số 01 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện còn phải chuẩn bị các tài liệu kèm theo để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ vào hợp pháp. Trong hai trường hợp bị trao nhầm con đã đề cập ở trên thì người khởi kiện cần chuẩn bị các tài liệu đính kèm bao gồm: Chứng minh nhân dân của người khởi kiện, giấy khai sinh, giấy chứng sinh của người bị trao nhầm là con, giấy xét nghiệm ADN xác định không phải mẹ con…và các tài liệu có liên quan khác (nếu có).
- Trong trường hợp này, phía nhà hộ sinh, nữ hộ sinh sẽ chịu trách nhiệm gì?
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Trong trường hợp này, nếu xác định được có lỗi vi phạm của nữ hộ sinh (lỗi do vô ý hoặc cố ý) thì nữ hộ sinh này có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 307 BLDS năm 2005.
- Xin luật sư cho biết, nếu tìm lại được người thân thì thủ tục nhận mẹ - con sẽ phải thực hiện như thế nào?
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”
Chứng cứ chứng minh quan hệ mẹ con được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015. Theo đó, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.”
Như vậy, theo quy định của Luật Hộ tịch vừa trích dẫn ở trên, người thực hiện thủ tục đăng ký nhận mẹ, con cần nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là mẹ, con để được xem xét, giải quyết.
- Thưa luật sư, trong trường hợp nếu đối tượng được nghi ngờ nhầm không hợp tác với bên kia thì có vi phạm luật không? Ở tình huống này thì gia đình chị Trang cần phải làm gì?
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Việc những người được nghi ngờ nhầm không hợp tác với bên có yêu cầu được giám định AND để tìm lại con không bị coi là vi phạm pháp luật, bởi vì BLDS năm 2005 đã quy định rõ về quyền nhân thân và việc bảo vệ quyền bí mật đời tư của mỗi cá nhân như sau:
Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...”
Theo quy định của BLDS 2005 vừa trích dẫn ở trên thì những người được nghi ngờ nhầm có quyền từ chối hợp tác trong trường hợp này. Do đó, để tìm được bố mẹ đẻ của mình thì chị Trang và gia đình cần thuyết phục những người này để nhận được sự phối hợp từ họ. Ngoài ra, gia đình chị Trang còn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của Hội phụ nữ, cơ quan y tế, chính quyền sở tại nơi những người được nghi bị nhầm đang sinh sống vận động những người này hợp tác để chị có thể tìm lại được bố mẹ ruột của mình.
- Xin cảm ơn luật sư.