TP.HCM cần 5.600 tỷ cho hạ tầng giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. |
Theo ông Lâm Bộ GTVT đã điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng tăng lên 50 triệu lượt hành khách vào năm 2030, tăng gấp đôi so với quy hoạch 25 triệu lượt hành khách vào năm 2020. Lý do là sân bay đang quá tải trầm trọng.
Trong khi đó hạ tầng giao thông ở khu vực quanh sân bay hiện nay, nếu cố gắng khai thác cũng chỉ đủ để phục vụ công suất 40 triệu lượt hành khách/năm. Vì vậy ông Lâm cho rằng việc cải thiện hạ tầng để “cứu” sân bay đang rất cấp thiết.
Để phục vụ cho lượng hành khách dự kiến. Bộ GTVT sẽ xây thêm nhà ga T3 với công suất khoảng 20 triệu lượt hành khách/năm. Ngoài ra khu vực cửa ngõ sân bay cũng cần thêm 7 dự án giao thông vói kinh phí khoảng 5.600 tỷ đồng và phải làm từ nay đến năm 2022 – thời điểm nhà ga T3 bắt đầu khai thác.
“Nếu hạ tầng đứng yên thì không thể đáp ứng được” – ông Lâm cho hay, đồng thời nhấn mạnh TP đang ưu tiên hàng đầu cho việc cải thiện tình hình giao thông khu vực ngoài sân bay.
Trong số các dự án, công trình trọng điểm là tuyến đường song hành với đường Cộng Hòa. Có quy mô từ 6-8 làn xe, tuyến đường sẽ đi từ đường Phan Thúc Duyện và Trường Chinh và kết nối toàn ga T3. Dự kiến con đường 4km này sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.
Ngoài ra ông Lâm còn cho biết TP sẽ mở rộng nhiều tuyến đường xung quanh nhe Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Tân Sơn và tổ chức lại giao thông trong sân bay.
Do một số dự án liên quan đến phần đất của Bộ Quốc phòng nên TP đã lập tổ liên ngành giữa Sở GTVT – Bộ Quốc phòng và UBND TP để điều phối các dự án, với mục tiêu khi ga T3 hoàn thành thì giao thông khu vực cũng trở nên đồng bộ.
Trước đó vào cuối tháng 7 vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm các cơ quan cần tiếp tục rà soát 28 điểm nguy cơ ùn tắc, trong đó tập trung vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2).