TP.HCM: 5 băng nhóm và hơn 100 doanh nghiệp cầm đồ có biểu hiện nghi vấn
Thượng tá Nguyễn Quang Thắng - Phó trưởng phòng Tham mưu Công TP.HCM thông tin tại buổi họp báo chiều 1/10. |
Vừa qua UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị Bộ trình Chính phủ đưa loại hình dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Trao đổi về vấn đề này trong buổi họp báo chiều 1/10, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng – Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, dù đã có Nghị định của Chính phủ nhưng các đối tượng cho vay nặng lãi vẫn “luồn lách” để thực hiện các hoạt động khủng bố người vay, đòi lại tiền.
“Công an thành phố đã có rà soát, tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn do các đối tượng chủ mưu luôn núp bóng, không ra mặt” – ông Quang thừa nhận. Công an đã mời lên làm việc, nhắc nhở, thậm chí răn đe nhiều đối tượng nhưng xử lý sau đó còn nhiều vướng mắc.
Công an TP đã lên danh sách 5 băng nhóm và hơn 100 doanh nghiệp cầm đồ có biểu hiện nghi vấn. Thời gian tới, với các vụ việc được báo, Công an TP sẽ chỉ đạo lực lượng tại các địa bàn khẩn trương bảo vệ người dân, tránh các hoạt động gây rối.
Theo thống kê của UBND TP, đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp đăng ký hoạt động “đòi nợ thuê”. Đặc biệt có một công ty với số vốn lên tới 200 tỷ, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ.
Đến nay có 44 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, nhưng đã có 12 doanh nghiệp nộp lại giấy phép vì hoạt động không hiệu quả, 4 xin tạm ngưng để sắp xếp lại nội bộ.
Lãnh đạo TP.HCM nhận định, việc quản lý các doanh nghiệp dạng này còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu chỉ đạo có tính pháp lý về địa bàn hoạt động, nên các doanh nghiệp từ các địa phương khác tới đây đặt văn phòng kèm theo nhân viên, do đó thành phố “không quản nổi”.
Ranh giới giữa đòi nợ thuê đúng và vi phạm pháp luật rất mong manh. Quá trình thực hiện hành vi thường dùng số lượng đông đảo để tạo áp lực, trong khi xã hội nhìn vào đó sẽ thấy bất ổn, tạo ra tâm lý “chính quyền bó tay”.
TP thừa nhận, việc gửi kiến nghị lên Bộ để nhận được sự đồng thuận sẽ không dễ dàng và việc điều chỉnh “là điều khó khăn”, bởi cần phải có đánh giá tổng kết từ nhiều địa phương. Do đó, thời gian tới, thành phố kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước, đưa ra các quy trình nhằm tạo ra lằn ranh, để khi hành xử họ không làm quá, đồng thời đảm bảo quyền lợi người bị đòi.
Liên quan đến vụ văn phòng công chứng (Sao Bắc Đẩu) tại địa chỉ 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9 có dấu hiệu làm giả con dấu của Phòng công chứng quận 12, tên công chứng viên là Nguyễn Thế Thành, trao đổi trong cuộc họp báo diễn ra chiều 1/10 tại UBND TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thông tin 600 tài liệu đã công chứng, chứng thực chưa phải là con số chính xác. Chưa phát hiện văn phòng này công chứng, chứng thực về nhà đất mà chỉ có chứng thực sao y, ủy quyền hay bằng cấp các loại. |