Thủ tướng: Doanh nghiệp trong nước có thể mua lại doanh nghiệp FDI
ĐTNN là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam
Sau hơn 3 thập kỷ kể từ khi có “Đổi mới”, dưới sự lãnh đạo cảu Đảng và nỗ lực của toàn dân, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một quốc gia nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia thuộc các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 6,6%/năm trong 30 năm qua; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng – an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút ĐTNN là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, đến tháng 12/1987 Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Có thể nói thu hút ĐTNN luôn song hành với sự nghiệp đổi mới và chủ trương mở cửa của đất nước. ĐTNN có vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao tầm vóc và vị thế quốc tế của Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Những năm đầu tiên, sự vận hành của các doanh nghiệp ĐTNN theo nền kinh tế thị trường đã trở thành nơi để chúng ta học tập, vận dụng các chính sách về kinh tế thị trường một cách linh hoạt, sáng tạo.
Nhắc lại con số vô cùng ý nghĩa, Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay đã có 26.500 dự án ĐTNN vào Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD. Đến nay ĐTNN đã chiếm khoảng 20% tổng GDP, 23.7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch XNK, 17,7% tổng thu ngân sách, giải quyết 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp,…
“Theo đánh giá của các nhà ĐTNN, Việt Nam đã trở thành địa chỉ đầu tư tin cậy, hiệu quả, được quốc tế đánh giá là một trong các quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài thành công nhất của khu vực và trên thế giới. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút ĐTNN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Những hạn chế trong thu hút ĐTNN
Vui và tự hào với những thành tựu to lớn về ĐTNN, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các nhà ĐTNN và các cơ quan quản lý của Việt Nam nhìn thẳng vào những hạn chế còn tồn tại trong thu hút ĐTNN.
Trước hết, các doanh nghiệp ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến trong khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, những doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn ít.
Việc liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp; giá trị gia tăng không cao.
Một số dự án ĐTNN tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về ĐTNN còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.
Bày tỏ sự trân trọng đối với nguồn vốn, công nghệ do các Nhà ĐTNN mang vào Việt Nam, Thủ tướng nhắc nhở các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước cần phải có tư duy quản lý phù hợp, mang tính cạnh tranh để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư công nghệ cao; có các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định, dù còn những hạn chế tồn tại cần khắc phục, nhưng tổng kết sau 30 năm thu hút ĐTNN, thu hút ĐTNN là chủ trương đúng đắn và thành công của Đảng và Nhà nước ta. ĐTNN là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Khuyến khích các nhà ĐTNN sử dụng công nghệ cao
Trước hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tưởng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quản chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của cạnh tranh. Quan điểm của Việt Nam đối với ĐTNN sẽ mở theo hướng:
Khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn ĐTNN luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam không chỉ mong muốn thu hút ĐTNN mà còn mong muốn hợp tác quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của Samsung tại Triển lãm Thành tựu 30 năm thu hút FDI. Ảnh: Chinhphu.vn |
Việt Nam mong muốn hợp tác ĐTNN mang tính chủ động, bình đẳng, có sự lựa chọn để dần thoát khỏi việc gia công, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác ĐTNN, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho nhà nước, cho xã hội và bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với sản xuất toàn khu vực và toàn cầu.
Khuyến khích các nhà ĐTNN sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, đồng thời thu hút các dự án ĐTNN tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao giá trị gia tăng.
Song song với đó, Việt Nam tiếp tục thu hút ĐTNN để giải quyết lao động ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố, thị xã phát triển thì ưu tiên thu hút đầu tư những lĩnh vực công nghệ tiên tiến,…
Việt Nam mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới, sáng tạo, có chuỗi cung ứng các giá trị quốc tế, hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ĐTNN liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, từng bước tham gia các công đoạn với giá trị gia tăng cao hơn.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với phát triển kinh tế hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đầu tư, đảm bảo đồng bộ giữa các đạo luật, phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các FTAs thế hệ mới.
Thứ ba, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN tại những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ hỗ trợ.
“Từ tư duy thụ động, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động mua lại các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách đầu tư, thêm ưu đãi theo nguyên tắc doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, đúng tiêu chí, điều kiện để hưởng ưu đãi. Đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp ĐTNN được ưu đãi thì phải đảm bảo đầu tư hiệu quả, đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường,…
Thứ năm, tạo cơ chế kết nôi các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,…nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý đối với nhà ĐTNN giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; ứng dụng công nghệ số trong quản lý Nhà nước về ĐTNN.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả 30 năm thu hút FDI, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cùng các Bộ, ngành sẽ tham mưu cho Đảng, Chính phủ sẽ đề ra định hướng mới trong thu hút và sử dụng nguồn vốn ĐTNN nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn này cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo phát triển bền vững.