"Thôi khỏi ông Tòa ơi, thiệt bao nhiêu tui đền"
Hôm ấy, tôi triệu tập hai bên Nguyên đơn và Bị đơn để hỏi về vụ án giật sợi dây chuyền vàng.
Tôi hỏi Nguyên đơn “Chị bị ai giật? Giật cái gì?”. Nguyên đơn mếu máo trả lời: “Thưa Tòa, em thiếu nợ chị ấy, em chưa kịp trả, chị ấy xông vào nhà em gây gổ, trong lúc giằng co chị ấy tiện tay đã giật đứt sợi dây chuyền kỷ niệm cưới của em”.
Tôi hỏi Bị đơn: “Tại sao đi đòi nợ mà chị lại giật dây chuyền của con nợ?”
Bị đơn trả lời tỉnh queo, có lẽ do đã chuẩn bị trước câu trả lời: “Tôi có giật đâu? Chứng cứ đâu?”
Tôi hỏi nguyên đơn: “Chị có chứng cứ gì để nói rằng bị đơn đã giật sợi dây chuyền của chị không?”
Nguyên đơn: “Dạ em không có chứng cứ gì hết, nhưng rõ ràng là lúc chị ấy giật sợi dây chuyền của em và chị ấy nắm chặt trong tay, em cố gắng lột tháo lòng bàn tay chị ấy nhưng chị ấy nắm chặt quá nên em lấy lại không được.”
Tôi hỏi Bị đơn: “Lúc đó trong tay chị nắm giữ cái gì?”
Bị đơn ngần ngừ một lát, có lẽ do chưa chuẩn bị tình huống bất ngờ này nên trả lời: “Tôi nắm chiếc đồng hồ đeo tay của tôi vì sợ rơi mất”.
Tôi chớp thời cơ hỏi luôn: “Có phải chiếc đồng hồ chị đang đeo không?”
Bị đơn: “Dạ, đúng rồi!”
Hình ảnh một phiên tòa (ảnh Pháp luật Việt Nam) |
Nhìn thấy chiếc đồng hồ Seiko Five vuông thành sắc cạnh thế kia thì làm sao nằm gọn trong tay chị ta được. Tôi quắc mắt, phán luôn: “Bây giờ chị hãy nắm chặt chiếc đồng hồ trong tay, và chị kia lột thử xem có lột được không!”
Biết là đã bị dồn vào thế bí và không cách gì chứng minh được rằng, hôm ấy chị ta nắm chặt chiếc đồng hồ nhọn hoắc trong tay để giữ được trước cô gái trẻ trung kia, bị đơn mặt tối sầm, lí nhí: “Thôi khỏi ông Tòa ơi. Nó thiệt hại bao nhiêu, tôi chịu đền!”