Thi nhau “xẻ thịt” phòng tuyến Như Nguyệt
Thi nhau “xẻ thịt” phòng tuyến Như Nguyệt
(Kỳ 1)
Qua đường dây nóng, báo điện tử Infonet nhận được đơn của những người dân ở Thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh kêu cứu về việc Ban quản lý dự án- Sở NN& PTNT Bắc Ninh lấy đất đắp đê ngay gần đền Can Vang, địa điểm lấy đất là bến Can Vang thuộc quần thể các di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa. PV báo điện tử Infonet đã có mặt để xác minh vụ việc.
Phòng tuyến Như Nguyệt, oanh liệt năm xưa
Sách lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1976 căn cứ vào các sử liệu Việt Nam và Trung Quốc viết: Năm 1076, vào đời nhà Lý, quân Tống đưa bộ binh và kị binh tiến đánh nước ta, thế giặc mạnh tiến như vũ bão nhiều nơi đã không cản được bước tiến quân thù. Lý Thường Kiệt cho xây thành đắp lũy và tập trung quân đội, dân binh chặn giặc tại bờ Nam sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu). Bị dòng sông, thành lũy kiên cố và sự đoàn kết của dân tộc ta chặn lại, Quách Quỳ 2 lần tấn công đều thất bại, binh hao, lương tổn, chúng đành án binh chờ viện binh theo đường thủy lên trợ chiến. Gặp đúng lúc thời tiết nắng nóng, quân địch bị đau ốm, thiếu lương thực, lại bị dân binh của ta đánh du kích phía sau, quân sĩ suy sụp ý chí. Đúng lúc đó, Lý Thường Kiệt tổ chức tổng phản công ào ạt khiến cho quân giặc vỡ trận bị tiêu diệt quá nửa rồi ký giảng hòa để cho chúng có đường rút về nước. Đất nước Đại Việt, kinh thành Thăng Long được giữ an toàn.
Sơ đồ phòng tuyến Như Nguyệt đặt tại đền Phấn Động |
Tương truyền, đêm đến Lý Thường Kiệt cho người đến đền Can Vang (vị trí gần doanh trại quân địch nhất trên phòng tuyến sông như Nguyệt) đọc bài thơ Thần - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Nghe bài thơ Thần ngút ngàn chí khí, quân địch càng hoang mang khiếp sợ.
Hiện nay dấu tích phòng tuyến sông Như Nguyệt còn rất ít, theo sách Non nước Việt Nam (sách hướng dẫn du lịch, xuất bản năm 2005, Tổng cục du lịch Việt Nam ấn hành, trang 309) Phòng tuyến sông như Nguyệt chính là khu vực bãi Miễu thuộc thôn Thọ Đức - xã Tam Đa huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Nơi đây, Lý Thường Kiệt đã cho xây một phòng tuyến lớn chặn giặc ở cửa sông Thọ Đức, Khu vực hậu cần, Kho Dốc Gạo, Kho Cung, ở Gò Cung, kho Gươm ở Gò Gươm…
Như vậy theo nhiều cứ liệu lịch sử thì toàn bộ khu vực bãi Miễu chính là một phần quan trọng của phòng tuyến Như Nguyệt, nơi đây đang tồn tại một số di tích như Đình Đền Can Vang, Bến Can Vang và các gò… Nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1988.
Chứng nhận di tích lịch sử Đền Can Vang, bên Can Vang và các điểm di tích khác trong phòng tuyến Như Nguyệt |
Phòng tuyến Như Nguyệt bị “xẻ thịt” tàn tạ hôm nay
Người dân Thôn Thọ Đức cho biết, từ ngày 20/4 người dân đã thấy gần chục xe tải, máy xúc đến khu vực đền sát rìa sông gần Đền Can Vang xúc đất đắp đê, chính là di tích Bến Can Vang, mấy ngày nay máy xúc rất nhiều đất đang làm xói Gò Gươm nổi trên mặt nước ngay cạnh. Theo ông Nguyễn Văn Nước, người đã từng là thành viên Ban Quản lý khu di tích khẳng định chắc chắn khu vực đang xúc đất chính là Bến Can Vang đã được khảo sát và cấp bằng di tích lịch sử nhà nước.
Người dân địa phương đang rất lo lắng cho tình trạng di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại |
Gần Bến Can Vang có gò đất nổi lên đây là Gò Gươm, ngày xưa các cụ kể lại đây chính là kho Gươm mà Lý Thường Kiệt dùng chứa gươm phát cho quân dân ta đánh giặc Tống trên Phòng tuyến Như Nguyệt năm 1077 như đã nhắc đến trong sách hướng dẫn du lịch.
Trước đó, để phục vụ dự án đắp đê, xã đã cho Ban quản lý dự án - Sở NN& PTNT lấy đất ngay gần khu cửa đền. Dân lo lắng ảnh hưởng đến di tích đền đã làm đơn yêu cầu dừng lại, phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đã dừng lại, chuyển lấy đất ở chỗ khác. Nhưng theo phát hiện của người dân địa phương, chỗ khác lại chính là Bến Can Vang có trong di tích đã được công nhận.
Người dân lo lắng làm đơn khắp các cấp chính quyền nhưng chính quyền xã vẫn làm ngơ và để cho việc lấy đất vẫn tiếp tục. Ông Nguyễn Văn Liên, một người dân ở địa phương than: “Chẳng mấy chốc mà dấu tích di tích lịch sử gần 1000 năm sụp đổ tiêu tan. Người đời sau sẽ không còn biết Phòng tuyến sông Như Nguyệt như thế nào. Không giữ được di tích này, lớp người như chúng tôi sẽ là tội nhân thiên cổ.”
Ông Nước cũng cho biết: “Bên cạnh việc trực tiếp chỉ cho Ban Quản lý dự án đê xâm hại đến khu vực có di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, chính quyền xã còn làm ngơ hoặc vô trách nhiệm trước nạn hút cát hoành hành làm trôi di tích mà báo chí đã phản ánh gay gắt trong thời gian gần đây”
Có mặt tại hiện trường, những gì mắt thấy khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Đoạn phòng tuyến Như Nguyệt ngày xưa giờ chỉ là phế tích hoang tàn. Một bãi bồi lớn, cao đủ để luyện quân, đóng doanh trại ngày xưa, giờ chỉ là những thùng vũng nham nhở, 2 cái lò gạch bỏ hoang như minh chứng cho một sự bội bạc với lịch sử. Đền Can Vang nơi thờ danh tướng Trương Hống và Lý Thường Kiệt - Vị anh hùng dân tộc giờ xuống cấp như khu phế tích. Không tường bao quanh, cánh cổng vào đền chỉ là mấy cành rong tre kết lại thành cửa. Bên trong vắng hoe, hoang tàn sập sệ, cái sân gạch nát vụn bong tróc không còn lấy một viên nào lành. Chính nơi tương truyền là nơi đọc bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, cửa đóng im ỉm. Cách đền không xa, chiếc máy xúc vẫn “cắt” từng miếng thịt của phòng tuyến năm xưa cho đầy lên những chiếc xe tải phun bụi rầm rầm chạy lên mặt đê.
Xe tải thi nhau "xẻ thịt' Phòng tuyến Như Nguyệt |
Dấu tích sự "bội bạc với lịch sử cha ông" |
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch xã Tam Đa khẳng định những “xe đang đào đất chính là xe của dự án cứng hóa mặt đê sông Cầu.” Vậy sự việc đào đất đắp đê gần đền Can Vang trong khu vực bãi Miễu là có thật. Việc làm này là sự thống nhất của chính quyền xã, huyện và Ban Quản lý dự án cứng hóa đê sông Cầu. Câu hỏi đặt ra là các cơ quan từ Thôn đến huyện có xâm hại đến di tích lịch sử Phòng tuyến sông Như Nguyệt hay không? Phóng viên Infonet sẽ tiếp tục thông tin và làm rõ.
Kỳ 2: Dân lo lắng, 'quan' bận… ăn bữa 10 giờ
Thành Nhân