"Thầy trò đánh nhau": Bạo lực dễ dẫn tới tội phạm
Để hiểu hơn về vấn đề trên từ phía pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với các luật sư. Dưới đây là những quan điểm của Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn Luật sư Tp HCM):
Luật sư Huỳnh Kim Ngân- Trưởng VP Luật sư Chân Thiện Mỹ |
Thưa luật sư, hiện nay đang lan tràn video clip gây phản cảm trong ngành giáo dục “thầy đánh liên tiếp trò, trò bật lại thầy”. Xem video này, luật sư thấy những nguy cơ gì về mặt pháp luật đang tiềm ẩn trong những tình huống như thế này?
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm pháp trong tuổi thiếu niên tăng nhanh trong thời gian gần đây vì bạo lực không phải là phương pháp giáo dục.
Sâu xa hơn, nó dẫn đến tình trạng giới trẻ thiếu niên mất lòng tin vào người lớn, thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề bức xúc sẽ hình thành trong nhân cách trẻ và thậm tệ hơn nữa nếu đứa trẻ bị bạo hành từ người thầy.
Theo luật sư hành động của thầy và trò trong clip này đã vi phạm quy định nào của pháp luật?
Trước hết, phải xem xét độ tuổi của học sinh bị thầy đánh liên tiếp có dưới 16 tuổi hay không. Theo quy định của Pháp luật thì trẻ em là trẻ dưới 16 tuổi. Khi đó, theo quy định tại Điều 7 khoản 6 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi của người thầy đánh học trò là vi phạm quy định nêu trên : "Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;".
Ngoài ra, người thầy còn vi phạm quy định tại Điều 75 Luật giáo dục: các hành vi nhà giáo không được làm có quy định "Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học;".
Còn với học sinh thì sao, thưa luật sư?
Riêng hành vi của trẻ phản ứng "đánh lại thầy" thì không thể chấp nhận được, đó là phản ứng bản năng tiêu cực.
Về mặt quy định của pháp luật thì đó là hành vi cấm quy định tại Điều 88 Luật giáo dục, cấm "Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác;" Tùy theo mức độ hành vi của trẻ mà nhà trường cùng các cơ quan chức năng xử lý theo các quy định liên quan.
Theo quan niệm người Á Đông chịu ảnh hưởng của Khổng giáo thì người thầy nói chung được xem ngang hàng với cha, mẹ về công lao đối với một con người, đó là văn hóa, lễ giáo. Điều đó cũng đã đưa vào luật pháp từ thời xa xưa cho đến nay.
Ví dụ ngày nay, theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự thì hành vi giết người là "ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình" thuộc trường hợp xử lý rất nặng. Tuy nhiên, pháp luật hình sự vẫn có những quy định xem xét cụ thể nguyên nhân hình thành, hậu quả để xử lý chứ không cứng nhắc.
Nếu nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội đối với người thầy bắt nguồn từ hành vi vi phạm pháp luật của người thầy thì không thể xem là yếu tố tăng nặng, mà tùy theo mức độ hành vi vi phạm để đưa ra phán quyết có tình có lý.
Do đó, xử lý căn nguyên vấn đề "trò phạm tội hình sự đối với thầy" cần xem xét yếu tố khách quan về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, từ đó mới xác định nặng hay nhẹ.
Vậy theo luật sư nên nhìn nhận hành động của thầy và trò trong clip này như thế nào? Đáng thương, đáng trách hay đáng lên án?
Nói chung, hành vi "dùng vũ lực" của người thầy đối với học trò là sai trái, phản giáo dục và không phù hợp với mô hình giáo dục hiện đại.
Về yếu tố con người thì ai cũng có những biểu hiện "hỉ, nộ, ái, ố" nhưng không được sử dụng bản năng để thể hiện mà phải kiềm chế trước những lầm lỗi của người khác, nhất là người thầy trong môi trường giáo dục trước những lầm lỗi của học trò. Đáng trách dành cho người thầy trong đoạn video nêu trên, nhà trường cần xử lý nghiêm để chấn chỉnh.
Bên cạnh đó, cần phải chấn chỉnh hành vi phản ứng tiêu cực của học trò, cần giáo dục học trò có những phản ứng đúng đắng như bỏ chạy, tố giác lên Ban giám hiệu. Lên án hành vi nêu trên sẽ góp phần chấn chỉnh mối quan hệ thầy trò ngày càng nhân văn hơn, hợp pháp hơn.
Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Luật sư điều hành Hãng luật Giải Phóng- Đoàn Luật sư Tp. HCM) cho rằng:
Không ai có thể chấp nhận cách ứng xử của một thầy giáo đối với học sinh như vậy. Một người thầy dùng tay để tát bôm bốp vào mặt học sinh chẳng khác gì cách hành xử của dân “chợ búa” với nhau.
Hành động phản ứng của học sinh đánh lại người thầy cho thấy hành vi của người thầy đã vượt quá sức chịu đựng của học sinh. Có thể người thầy đã nhiều lần đánh học sinh như vậy, hoặc đang đánh học sinh một cách vô cớ.
Ở góc độ khác, cách phản ứng của học sinh như vậy cũng đáng lên án, thầy giáo cũng như cha mẹ của mình, dù có sai, mình cũng không được phản ứng như vậy. Không phải là tất cả, nhưng hình ảnh này cho thấy, môi trường giáo dục, đạo đức nghề giáo, truyền thống tôn sư trọng đạo đang có vấn đề.
Hành vi và phương pháp phản sư phạm của người thầy này có thể là nguyên nhân của tội phạm học đường, từ chán chường dẫn đến bất mãn, không ít vụ án học sinh trả thù thầy cô giáo của mình bằng bạo lực xuất phát từ hành vi ứng xử không phù hợp của thầy cô giáo.
Mặt khác, ở góc độ đạo đức xã hội rõ ràng là đáng lên án, còn ở góc độ pháp luật, tuy chưa có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng người thầy này đã vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em về các quyền của trẻ em được pháp luật tôn trọng và bảo vệ như Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, quyền được học tập …
Do đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, các quy định nội bộ của nhà trường, ban giám hiệu nhà trường cần có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng với thầy giáo có hành vi đánh học sinh này để răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung. Đồng thời, cũng cần có biện pháp xem xét kỷ luật các em học sinh có hành động không phù hợp để làm gương cho các em học sinh khác.
Ở môi trường giáo dục trước thời kỳ đổi mới, việc thầy cô giáo đánh học sinh không phải là không có, nhưng tất cả học sinh bị đánh đều tâm phục, khẩu phục. Vì hầu hết các thầy cô giáo đều truyền thông điệp cho học sinh của mình hiểu được rằng “thương cho roi, cho vọt”.
Còn ngày nay, đứng trước tốc độ xã hội hóa giáo dục, nhiều trường tư nhân mọc lên như nấm, không phải là tất cả, nhưng môi trường giáo dục của một số trường này có vấn đề, đặc biệt là liên quan đến tư cách giáo viên, đạo đức học sinh…Vì vậy, phát triển xã hội hóa giáo dục cần đi đôi với nâng cao chất lượng giảng dạy và chú trọng vấn đề đạo đức trong học đường. Tình trạng suy thoái đạo đức chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi loại tệ nạn xã hội. Đạo đức cần phải được nhìn nhận và giáo dục từ môi trường học đường một cách nghiêm túc.