Thẩm vấn nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam, 15g ngày mai tuyên án
Theo dự định sáng ngày 4/11 HĐXX (TAND TP.HCM) sẽ tuyên án vụ việc gây thất thoát 966 tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Agribank Chi nhánh 6 (Agribank CN6). Tuy nhiên cho rằng có những tình tiết cần phải làm rõ nên thẩm phán Vũ Phi Long đã quyết định quay trở lại phần xét hỏi.
Trong phần này, HĐXX, VKS và các luật sư đã có thời gian xét hỏi ông Nguyễn Thế Bình – nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam với các nội dung xoay quanh việc nâng quyền cho vay đối với các chi nhánh của Agribank.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc Agribank nâng quyền cho chi nhánh khi phê duyệt các khoản cho vay, ông Bình cho rằng các chi nhánh có thể phán quyết số tiền lên đến 2.000 tỷ. Ông này cũng cho biết khi nhận được tờ trình xin nâng mức cho vay ông sẽ phải trình lên HĐQT phê duyệt.
Ngoài ra ông Bình khẳng định chức danh Tổng giám đốc không có vai trò gì trong việc nâng quyền cho vay bởi đây là quyền của HĐQT. Thậm chí Giám đốc các chi nhánh cũng có thể cho vay hoặc từ chối sau khi thẩm định hồ sơ của khách hàng mà không cần Tổng giám đốc duyệt. Nói cách khác, Giám đốc chi nhánh vẫn là người có quyết định cuối cùng.
Trong khi đó, người đại diện cho Agribank cho rằng việc nâng quyền cho vay đối với các chi nhánh tuy không được quy định cụ thể, nhưng ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tự chủ trong hoạt động.
Cũng theo ông này thì nếu không được nâng quyền các chi nhánh không thể hoạt động được trong bối cảnh lúc đó. Ông này cũng dẫn Quyết định 555 do Agribank ban hành trong đó có nội dung quy định trách nhiệm của giám đốc chi nhánh đối với các khoản cho vay đã xin nâng quyền.
Về vấn đề này luật sư Trương Thị Hòa – người bảo vệ quyền và lợi ích cho Agribank cũng cho rằng quyết định của Agribank không phải quyết định cho vay mà là quyết định nâng quyền dựa trên tài sản thế chấp (có thể tới 200 tỷ đối với công ty Tân Phát và 700 tỷ đối với công ty Thanh Phát).
Sau khi không còn ý kiến tranh luận nào thêm, HĐXX đã quyết định rằng bản án sẽ được tuyên vào 15g ngày mai – 5/11.
Cáo trạng cho thấy, thực hiện chủ trương của Thủ tướng và UBND TP.HCM về việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm trên địa bàn về các khu công nghiệp, công ty Đông Phương đã ký hợp đồng liên doanh với công ty Phương Nam để hợp tác xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng tại số 10 Âu Cơ, sau đó công ty Phương Nam cho biết đã chuyển 80% cổ phần cho công ty Bình Phát.
Lợi dụng việc thực hiện dự án, từ 2007 đến 2010 Lê Thành Công (nguyên Giám đốc công ty Đông Phương), Dương Thanh Cường (Tổng giám đốc tập đoàn Bình Phát), Hồ Đăng Trung và một số cá bộ dưới quyền đã vi phạm nhiều tội khiến nhà nước thất thoát số tiền 966 tỷ đồng (của Agribank).
Cụ thể, để có tiền thực hiện dự án, tháng 9/2007 Cường đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 vay 170 tỷ đồng với tài sản thế chấp là sổ đỏ khu đất số 10 Âu Cơ (quận Tân Phú) và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương (quận 8).
Một tháng sau đó Cường tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 628 tỷ đồng để thực hiện dự án nhà vườn tại huyện Bình Chánh. Tài sản thế chấp lần này là 23 sổ đỏ Cường mua của người dân tại Bình Chánh.
Trong cả hai lần vay này các cán bộ tại Agribank chi nhánh 6 đã không thực hiện đúng các nguyên tắc về kiểm tra, kiểm soát, thẩm định doanh nghiệp dù biết các dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi vay được Cường đã dùng số tiền này để trả nợ và đầu tư vào bất động sản dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tổng cộng Agribank đã thiệt hại 966 tỷ đồng cả vốn và lãi.
Một số hình ảnh phiên xử buổi sáng ngày 4/11:
Các bị cáo trong vụ án. |
Thẩm phán Vũ Phi Long đang xét hỏi để làm rõ các tình tiết. |
Ông Nguyễn Thế Bình – nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam. |
Luật sư Phan Trung Hoài làm rõ thêm các điểm còn nghi vấn. |
Các bị cáo ra xe sau phiên xử. |