Tết thấm đẫm tình người của những tử tù
Tết thấm đẫm tình người của những tử tù
Người ta vẫn nghĩ, tử tù – những người cận kề với cái chết thì biết gì đến Tết, cần gì đến Tết và làm gì có Tết. Tuy nhiên, nếu một lần vào trại giam, nghe tâm sự của những con người ẩn mình sau song sắt, bên bốn bức tường lạnh lẽo mỗi độ hoa đào chớm nở, chắc chắn sẽ nghĩ khác. Có lẽ bởi, tử tù, sau những giây phút ngông cuồng thì vẫn là con người, mà con người được sưởi ấm bằng tình người thì cũng thèm được yêu thương, thèm được sống hơn bao giờ hết. Và, cái Tết cuối cùng của cuộc đời, đối với nhiều người trong số họ là cái Tết ý nghĩa hơn bao giờ hết…
Ảnh minh họa. |
Khát vọng sống
Tôi còn nhớ như in ánh mắt của Đoàn Văn Minh trong buổi sớm lạnh lẽo và ẩm ướt một ngày cuối năm khi tôi hỏi cậu về Tết. Ánh mắt là phép cộng của sự ngạc nhiên, bất ngờ, rồi chợt buồn thăm thẳm và ngân ngấn lệ. Có lẽ, sống trong bốn bức tường rộng chưa đầy 10m2 sau song sắt dành cho tử từ ở trại giam tỉnh Sơn La này, chính Minh cũng không ý niệm được thời gian chính xác nữa.
Thoáng phút xúc động, Minh bảo, cậu có nghe loáng thoáng các cán bộ quản giáo nói đến Tết, nhưng không nghĩ là Tết lại gần đến vậy.
Minh 20 tuổi, cái tuổi mà nếu được ở ngoài kia, bên ngoài cuộc đời của một con người bình thường, hẳn là đang náo nức sắm sang quần áo mới, hẹn hò bạn bè, và lên lịch cho một cái Tết nhiều tiếng cười bên người thân và bè bạn. Thế nhưng, vì phút bồng bột và những suy nghĩ non dại của tuổi trẻ, cậu đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Sau khi gây án, người ta gọi Minh là kẻ sát nhân máu lạnh, tên giết người không ghê tay, hay ác thú… Tuy nhiên, đối diện với tôi, chàng trai 20 tuổi lúc này thật lành và trẻ con. Cậu kể về Tết bằng nụ cười buồn nhưng cũng không giấu được vẻ thích thú khi nghĩ về những hoài niệm thủa xưa.
Minh bảo, Tết, cậu nhớ nhất là mẹ. Một người phụ nữ quê, chân chất, tảo tần và luôn lo lắng yêu thương cậu. Minh nhớ dáng người gày gò của mẹ xiêu vẹo bên gánh hàng Tết nặng trĩu trịt trong mỗi phiên chợ Tết. Và cũng dáng người bé nhỏ ấy, lại quang quảy cái gánh lùng bùng những lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đồ hàng mã và không bao giờ thiếu những bộ quần áo mới cho mấy đứa con nhỏ.
Lớn lên, Minh không còn mong đợi những phiên mẹ đi chợ về mà lao đầu vào những trò chơi vô bổ theo chúng bạn hư. Minh nhớ, không ít lần bà đã bật khóc vì thằng con khó bảo. Và bây giờ, trong trại giam tăm tối này, Minh biết người đau lòng và nhớ đến Minh nhất hẳn là mẹ. “Giá như…”, Minh bùi ngùi kết thúc câu chuyện bằng một mệnh đề không có thực. Phải, giá như cuộc đời có thể như một trang giấy trắng, viết lên rồi có thể xóa đi viết lại. Và giá như, khi tước đi cuộc sống của một người khác, Minh cũng hiểu được sự khát khao sống của con người như thế nào…
Sau phút trải lòng, những giọt nước mắt mặn đắng khẽ lăn dài trên khuôn mặt non choẹt của cậu trai lầm lỡ. Cánh cửa trại giam dần khép lại, như chợt nhớ ra điều gì, Minh gọi với dặn mà như van lơn: “Nhắn giùm cháu lời chúc Tết đến bố mẹ nhé!”. Rồi như không nén được cảm xúc, Minh bật lên thổn thức.
Cái Tết thấm đẫm tình người
Người quản giáo từng đón 2 cái Tết trong trại giam kể với chúng tôi bằng giọng bùi ngùi rằng, hai cái “đêm 30 ấy" là hai đêm đáng nhớ và ấn tượng nhất trong cuộc đời công tác của anh. Là khi anh cùng các cán bộ khác đi bắt tay chúc Tết, thăm hỏi từng phạm nhân và nụ cười mừng mừng tủi tủi của họ khi nhận những món quà như mứt, bánh kẹo… làm anh thực sự xúc động.
Đối với những tử tù, các cán bộ còn quan tâm thăm hỏi đặc biệt hơn. Anh bảo, nhiều người trong số họ cứ nắm tay anh với lòng biết ơn khôn xiết. Có người bảo, không biết họ còn có thể sống tiếp thêm một cái Tết nữa không, nhưng những tình cảm mà cán bộ quản giáo dành cho họ làm họ thực sự mãn nguyện và hạnh phúc.
“Lúc ấy, tôi có cảm giác những con người lầm lỡ đã thực sự thức tỉnh “phần người”. Và trong cái thời khắc năm mới ấy, sự sợ hãi về cái chết cũng tạm thời được xua tan đi, chỉ còn lại tình người nồng ấm. Tình người, đó đồng thời cũng là vũ khí tối thượng để chúng tôi sống và làm tròn phận sự của mình. Không có thứ vũ khí ấy, tử tù như đã chết từ khi tòa tuyên án rồi…”, anh tâm sự.
Trang Lê