Tâm sự của luật sư phương Nam sống giữa tình thương phương Bắc
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ: Trước đây, người luật sư hành nghề chủ yếu là các công chức, thẩm phán, kiểm sát viên về hưu hoặc vì lý do nào đó họ phải ra khỏi ngành. Ngày nay, thế hệ luật sư trẻ, nhiệt huyết trưởng thành từ các trường đào tạo chuyên ngành luật trên cả nước, nghề luật sư cũng đã được nâng cao vị trí.
Theo tôi, nghề luật sư là một nghề khó nhưng rất lý thú bởi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều mặt của đời sống xã hội. Để trở thành một người luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội phải sâu sắc, phải am hiểu tường tận về văn hóa, văn chương, xã hội, lịch sử…
Tư duy, nhận thức của người luật sư không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản luật. Nghề luật là một lĩnh vực lao động trí tuệ gian khổ. Lao động đó đòi hỏi phải huy động rất nhiều tố chất trong một con người như sự tinh tường về pháp luật, sự am hiểu về thực tế xã hội, sự hiểu biết về tâm lý con người, sự nhạy bén về chính trị, sự lịch lãm của văn hóa tố tụng, giàu lòng nhân ái, có bản lĩnh chính trị và phải có một trình độ nghề nghiệp cao.
Là người thường xuyên phải tiếp xúc với những bất công trong xã hội, gặp nhiều người và chứng kiến biết bao nỗi đau của người khác, theo tôi, người làm nghề luật phải biết đau nỗi đau của người khác, phải thấm, phải thấu hiểu được nguyên nhân và lý giải được bản chất của sự việc.
Luật sư Bình (người ngồi thứ 2 từ trái sang phải) cùng bạn bè ở Hà Nội. |
Luật sư phải là người thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề. Ở hầu hết các ngành nghề đều có người này người kia, nghề luật sư cũng vậy.
Nhưng những luật sư tồn tại được phải là người sống bằng cái tâm. Tôi thật sự vui mừng khi một người bị khởi tố, bị bắt giam nay nhờ có sự hướng dẫn, tư vấn của mình mà người đó được đình chỉ điều tra và trả tự do. Tôi cũng thật sự vui mừng khi những vụ án mà ban đầu họ phải đối diện mức án tù 20 năm, chung thân hay tử hình nhưng cuối cùng nhờ có sự tham gia của mình mà họ chỉ còn 6 năm tù.
Do vậy, sau một thời gian hoạt động trong nghề, tôi nhận thấy rằng mình cần phải tiếp tục trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức để nâng cao trình độ lý luận sau một thời gian dài hoạt động thực tiễn, tôi đã tìm cho mình được một điểm đến, đó là Hà Nội. Bởi Hà Nội là con tim của cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, pháp luật, do đó việc học kiến thức, văn hóa và được hành nghề cùng các luật sư Thủ đô là niềm ao ước của tôi.
Trong mắt tôi, các luật sư miền Bắc nói chung hay luật sư Thủ đô nói riêng rất khôn khéo trong hành nghề, văn phong, họ nói năng lưu loát, do đó mình cần phải học hỏi ở họ rất nhiều.
Các luật sư ngoài này rất tích cực đóng góp ý kiến cho các cấp, các ngành, cho Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt phải kể đến sự đóng góp vô cùng nhiệt huyết của luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; luật sư Trương Trọng Nghĩa và nhiều luật sư khác... trong công tác lập pháp.
Rồi như một sự tình cờ, đầu năm 2017, tôi được một công ty luật ngoài này mời ra làm việc cho họ. Trong thời gian này, tôi đã tranh thủ thi vào cao học ngành luật hình sự và tố tụng hình sự (Khoa luật – Đại học quốc Hà Nội). Tuy nhiên, thời gian đầu do nhớ nhà, cộng với cái thời tiết khắc nghiệt, lạ lẫm với khẩu vị, văn hóa miền Bắc,... đã bao lần tôi muốn quay trở lại miền Nam.
Nhưng không, dường như "định mệnh của một kẻ tha hương" như tôi phải xa nơi mình sinh ra càng xa thì càng thành công (số mệnh tử vi nói thế - cười) tôi lại có kết quả đỗ cao học. Nhận được kết quả đỗ vui mừng đấy, nhưng khi ra Hà Nội học tập và làm việc, những đồng tiền mang theo cứ vơi dần, vơi dần đi khiến tôi phải suy nghĩ.
Công ty lúc đó không trả lương hàng tháng mà chỉ trả tiền lương khi mình đi công tác. Mà nghề luật sư thì đâu phải ngày nào, tuần nào cũng đi, hoặc có "án ngon" thì cũng đâu đến tay mình. Suy nghĩ, tôi bèn chọn một công ty khác trả lương cho mình hàng tháng để có thể đảm bảo việc học hành trước mắt.
Ngày đầu tiên học môn Triết, cô giáo dạy nghe cái giọng miền Nam liền hỏi: Sao không học trong đó mà học ngoài này? Và dường như cô nhìn thấy mình có tố chất gì đó, cô đã chọn mình làm lớp trưởng của lớp. Sau này, khi được phân về bộ môn, mình tiếp tục nhận được rất nhiều sự thương yêu của thầy cô và các anh em trong lớp, đặc biệt là thầy Trịnh Tiến Việt - Phó trưởng khoa Luật.
Thầy nhờ các luật sư Thủ đô là học trò của thầy giúp đỡ mình, rồi anh em trong lớp hình sự và tố tụng hình sự của mình và các lớp khác giúp đỡ, giới thiệu án nên hai năm nay ở Hà Nội cứ quần quật với án.
Hai năm qua, ngược xuôi lại từ Hà Nội vào TP.HCM, các tỉnh Tây Nguyên rồi từ Hà Nội đi các tỉnh Vịnh Bắc bộ hay miệt mài từ Hà Nội lên xuống các tỉnh vùng Tây Bắc, lúc nào khách hàng hay các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là phải có mặt kịp thời, đóng góp và nâng cao vai trò của nghề luật sư, đồng thời cũng tích tụ cho mình một nhiều niềm vui trong hoạt động nghề nghiệp.
Có lần nhận bào chữa cho một bị can 15 tuổi ở một tỉnh trên vùng Tây Bắc, bị can và gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà lại nghèo, vào nhà chỉ có vài trái bắp treo trước hiên. Nhận thấy có thể giúp được cho thằng nhỏ thế là đành nhận lời. Tuy nhiên, bắt tay vào làm việc mới biết cha mẹ là người giám hộ lại không biết chữ, thế là mình lo lắm.
Tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra, các buổi tiếp xúc, làm việc với bị can đều phải có mặt tôi và anh em cũng đã đáp ứng. Gần năm tháng trời ngược xuôi lo cho thằng nhỏ, cuối cùng thì vụ án được đình chỉ, một kết thúc đầy tính nhân văn cho thằng nhỏ”.
Tiếp mạch cảm xúc, luật sư Bình kể về một câu chuyện khác: “Có lần, trong lúc đi công tác, mượn cái xe của một người bạn trên đó đi dạo, nào ngờ bị tài xế một chiếc xe ô tô mở cửa làm tôi quăng người và xe ra qua đường đến bảy mét. Tài xế xe hơi nghe cái giọng miền Nam, biết tôi không phải dân bản địa nên lái ô tô "chuồn" mất để tôi nằm lại bệnh viện với các vết thương và cái tay bị gãy, rồi còn phải đền xe cho người ta. Tuy nhiên, dù là người dân tộc nhưng dường như thấy được việc tôi bảo vệ cho cho con họ như thế nào nên cha mẹ thằng nhóc gọi điện thoại cho mình nói: “Chú Bình ơi, an tâm nghỉ ngơi đi nhé. Tiền sửa xe để đó tôi trả cho”.
Tuy chỉ là những câu nói nhưng thật sự động viên tôi rất nhiều trong hoạt động nghề nghiệp. Tôi tin vào câu: Cứ làm tốt việc của mình, trời xanh sẽ tự khắc an bài. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng ở đây.
Tôi nghĩ, bất cứ một nghề nào, một cá nhân nào đều có một thời kỳ khởi đầu đầy gian nan, nhưng rồi sẽ đến một lúc nào đó được xã hội biết đến và coi trọng. Tuy nhiên, điều đó không phải tự nhiên mà có được, mà cần phải có những nhân tố tích cực tạo nên, trong đó quan trọng hơn cả là nhân tố Con người - một nghề nghiệp muốn tồn tại cần phải có những con người đam mê và tâm huyết. Và tôi luôn lấy đó là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Đành rằng nghề nào cũng có những chuyện vui buồn, nhưng theo tôi, nghề luật sư hội tụ tất cả những câu chuyện nhân tình thế thái, những nỗi buồn, góc khuất của cuộc đời, số phận con người.
Người làm trong công tác pháp luật, giống như một cái đáy trong bể nước, lưu giữ đầy đủ cả mặt trái lẫn "mặt phải" của xã hội, nơi đó tập trung nhiều sự ngang trái của cuộc đời với mật độ dày đặc. Và đứng trước những khó khăn, áp lực và sự gian truân trong công việc, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ buông xuôi mà luôn giữ được sự bình tĩnh và bản lĩnh đối mặt với mọi tình huống.
Dẫu biết rằng nghề luật sư còn nhiều nguy nan, còn nhiều trăn trở với những cung bậc khác nhau, nhưng giới luật sư nói chung và bản thân tôi vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào nghề mà mình đã theo đuổi, với tình yêu công lý, với sứ mệnh vinh quang của nghề luật sư. Và cũng bởi vì khi chạy hết các nơi không được thì họ mới quay về tìm luật sư (cười chua xót cảm thông - PV).
Trước đây tôi thấy mình trẻ trung, nhưng giờ nhìn lại thấy mình già quá. Đôi khi cứ đùa "Hà Nội xài người hao quá" nhưng thật sự là tôi thường xuyên phải đối diện với nhiều áp lực lớn trong công việc.
Một năm mới lại về, mùa xuân vừa gõ cửa. Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô ngoài này đã ôm tôi trong vòng tay. Cảm ơn các bạn bè trong lớp đã yêu thương tôi. Cảm ơn các luật sư đồng nghiệp, các anh chị nhà báo, cũng như các cơ quan tố tụng, đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi hoạt động hành nghề luật sư được thuận lợi ở đất Bắc.