Tại tòa, luật sư phải kính thưa ai?
Quan điểm tố tụng hiện nay về vị trí của Viện kiểm sát (VKS) trong phiên tòa hình sự đang có sự thay đổi. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, nên để VKS ngồi ngang hàng với luật sư bào chữa như thế để đảm bảo bình đẳng giữa buộc tội và gỡ tội.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Cũng có người cho rằng, phải đặt vị trí của đại diện VKS cao hơn luật sư, vì là đại diện quyền lực Nhà nước. Quan điểm này có vẻ như có lý và không ảnh hưởng, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc trình bày căn cứ gỡ tội cho bị cáo.
Mới đây, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Điều này đồng nghĩa với việc đề cao hơn vai trò của luật sư, nhận rõ sứ mệnh của luật sư.
Có lẽ câu chuyện bất bình đẳng như dưới đây sẽ dần dần mất đi trong không khí dân chủ, thượng tôn pháp luật của Hiến pháp 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Tuy nhiên, để bạn đọc hiểu hơn cái khó của luật sư trong tố tụng trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ra đời, Infonet xin gửi đến quý độc giả một số chuyện kể của Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM).
Đà Nẵng đi đầu bố trí chỗ ngồi của đại diện Viện kiểm sát ngang hàng với luật sư (Ảnh Dân Trí) |
"Bước vào phần tranh luận, tôi đứng lên phát biểu luận cứ bào chữa cho thân chủ của mình:
- Kính thưa hội đồng xét xử, các vị luật sư đồng nghiệp và đại diện viện kiểm sát...
Kiểm sát viên đứng phắt lên chặn họng:
- Đề nghị luật sư phát biểu lại, tại sao lại... "kính thưa" tui sau mấy ông luật sư kia?
Tôi khoát tay ra dấu cô kiểm sát viên xinh đẹp kia phải ngồi xuống, rồi nói:
- Tôi xin phát biểu lại, kính thưa hội đồng xét xử và các đồng nghiệp!
Suốt phiên tòa, cô kiểm sát kia mặt hằm hằm lườm nguýt và ném những cái nhìn về phía tôi còn bén hơn lửa cạnh đống rơm, vì sau khi lật hết cả cuốn Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chẳng thấy điều luật nào quy định tại phiên tòa luật sư phải "kính thưa" ai cả".