Số phận kỳ lạ của một người tù thoát án tử
Một ngày cuối tháng 7-2016, bất ngờ tôi nhận được điện thoại của Đặng Văn Thế, báo tin đã chấp hành xong bản án tù và trở về với gia đình, hiện tại đã có công việc ổn định, kiếm được tiền hằng tháng để nuôi cha mẹ già.
Trước tin vui Thế đã thoát án tù tội, trở thành công dân tự do, tôi tìm về xã Mỹ Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An) để chia sẻ niềm vui cùng Thế và đặc biệt là với bố mẹ già của "gã", những người đã đồng hành cùng con trên chuyến đò ngược về âm phủ trong chặng đường đằng đẵng gần 20 năm phận người.
Người tù thế kỷ
Lần cuối cùng tôi gặp Đặng Văn Thế khi đang thụ án ở Trại giam số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an) là vào cuối tháng 3-2016. Khi ấy, gã vừa thiết kế sân khấu, vừa là thành viên tham gia hội thi "Phạm nhân tuyên truyền, giới thiệu và kể chuyện theo sách" của đội thi phân trại số 2 tham gia hội thi.
Ông Sửu, bố của Đặng Văn Thế bên căn nhà cũ của gia đình. |
Gã nhanh chóng nhận ra người quen, bởi trước đó, tôi đã nhiều lần tiếp xúc với Thế, từ khi gã còn nằm xiềng trong chốn biệt giam ở Trại tạm giam Công an Nghệ An đến lúc được Chủ tịch nước ân xá từ tử hình xuống chung thân, thụ án qua nhiều phân trại khác nhau ở Trại giam số 6.
Lần gặp nhau ấy, Thế đã rất tự tin và hy vọng chia sẻ, rằng nếu không có gì thay đổi, tháng 8 này sẽ giảm hết án và được trả tự do, kết thúc hành trình kỳ lạ nhất của một người tù trong lịch sử tố tụng từ trước đến nay.
Đặng Văn Thế là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Bố mẹ làm nông, các anh chị của Thế cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, và Thế cũng vậy. Học đến lớp 4 thì bỏ ngang, xin làm phụ xe tuyến Vinh - Mường Xén (Kỳ Sơn). Trong những chuyến đi của cuộc đời ấy, Thế đã gặp người phụ nữ của đời mình.
Đó là một cô gái vừa tròn đôi mươi, xinh đẹp nhất phố huyện Con Cuông. Hai người phải lòng, về sống với nhau như vợ chồng nhưng không hôn thú. Cuộc sống gối chăn vừa bén hơi được 40 ngày thì Thế vướng vòng lao lý.
Đó là thời điểm vào tháng 8-1997, khi nghe theo lời của người bạn là Nguyễn Tất Dũng, Thế đã xách thuê 20kg thuốc phiện từ huyện Tương Dương về TP Vinh, khi đến địa phận huyện Đô Lương thì bị bắt quả tang.
Ngày 23-6-1998, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên xét xử, tuyên án tử hình đối với Thế và Dũng về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Nguyễn Tất Dũng bị đưa đi thi hành án không lâu sau đó, còn Thế do hợp tác, thành khẩn khai báo nên được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An làm công văn xin hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra mở rộng.
Cũng chẳng ai ngờ được, khi cái sự hoãn ấy đã đưa Thế từ cõi chết trở về với cuộc sống tự do bởi những ngày tháng chờ đợi trong chốn biệt giam của Thế đã kéo dài suốt 11 năm trời, và là trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng.
Gã là tử tù đã trải qua 3 đời Giám thị với 10 cán bộ quản giáo, ngôn ngữ mà sau này Thế dùng trong tự truyện "Lời sám hối của một tử tù" là "thấp thỏm chờ chết vắt qua hai thế kỷ, với bốn nghìn ba trăm hai mươi ngày đi tìm sự sống".
Trong suốt chừng ấy thời gian nằm xiềng chốn biệt giam, thú vui duy nhất của Đặng Văn Thế là viết nhật ký, làm thơ và chăm sóc những chú mèo hoang lạc vào buồng giam, trở thành bầu bạn trong suốt nhiều năm trời giữa bốn bức tường. Ngày 23-6-2009, lần thứ hai trong đời, Đặng Văn Thế chính thức được "khai sinh", khi Chủ tịch nước ân xá từ tử hình xuống chung thân cho tử tù Đặng Văn Thế.
23 ngày sau khi thoát án tử, Đặng Văn Thế được chuyển đến Trại giam số 6 để thụ án, và đây cũng là một trong số ít phạm nhân trong thời gian ngắn thụ án nhưng được chuyển qua 3 phân trại khác nhau, không phải vì thành tích "bất trị" như nhiều phạm nhân khác mà Ban giám thị trại giam vẫn thường phải áp dụng như vậy để giáo dục cải tạo, mà chuyển Thế là để gây dựng phong trào phạm nhân ở từng phân trại.
Gần 7 năm thụ án ở Trại giam số 6, Đặng Văn Thế là một phạm nhân giành được sự quan tâm đặc biệt của Ban giám thị và cán bộ quản giáo, không chỉ gã tu tâm cải tạo tốt mà trong các hoạt động phong trào, đặc biệt là các hội thi dành cho phạm nhân, Thế luôn tham gia với vai trò người lĩnh xướng. Cũng chính bởi vậy, không ngạc nhiên khi năm nào gã cũng có tên trong danh sách giảm án.
Ánh sáng của tự do
Với những nỗ lực hướng thiện đó, ngày 15-6-2016, phạm nhân Đặng Văn Thế đã nhận được quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn. Kết thúc 19 năm cơm tù áo số, trong đó có 11 năm nằm chốn biệt giam, Thế đã trở về với gia đình, trong vòng tay yêu thương rộng mở của bố mẹ già và cộng đồng xã hội.
Bà Thao với những kỷ vật Thế mang từ trại giam về nhà. |
Chia sẻ với chúng tôi cảm xúc ngày đón con trở về, ông Đặng Văn Sửu (85 tuổi), bố đẻ của Thế không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động: "Nhận được quyết định ra tù của con trai, chúng tôi cứ ngỡ đó chỉ là một giấc mơ, không dám tin sự thật. Ngay từ sáng sớm tinh sương, hai ông bà cùng anh em, họ hàng đã thuê hẳn một chiếc xe ôtô 16 chỗ lên tận trại giam đón con".
Ông Sửu cho biết thêm, mừng Thế từ cõi chết trở về, được khai sinh lần thứ hai, gia đình và lối xóm đã bàn nhau góp tiền lại để mở tiệc mừng liên hoan.
Bà Nguyễn Thị Thao (75 tuổi), mẹ của Thế, chậm rãi lật giở từng dòng nhật ký và cuốn tự truyện viết tay còn dang dở của Đặng Văn Thế vừa chia sẻ, đấy chính là những kỷ vật vô giá mà con trai đưa từ trong trại giam về nhà, cũng là hành trang đồng hành để làm động lực giúp Thế vượt qua những ngày tháng trong trại giam.
Bà Thao có lẽ là mẫu người phụ nữ đến cuối cuộc đời vẫn chưa thôi rớt nước mắt vì con cái. Hai vợ chồng làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sinh hạ được 6 người con nhưng chỉ giữ lại được 5 đứa.
Trong số 3 người con trai, một đứa cũng vướng lao lý, đã mất vì ma túy, đến lượt niềm hy vọng duy nhất của cả gia đình là cậu em út Đặng Văn Thế cũng sa chân vào lầm lỗi. Bà kể, những ngày hai anh em ngồi tù, tháng nào hai vợ chồng cũng chắt bóp tiền bạc, đạp xe hơn 60 cây số chở nhau về thành phố thăm nuôi con trong chốn biệt giam.
Ròng rã suốt 12 năm trời, bất luận ngày nắng hay trời giông gió, ông bà chưa bỏ sót bất cứ một kỳ thăm nuôi nào. Đến lúc Thế thoát án tử, chuyển về Trại giam số 6, có gần nhà hơn so với trước nhưng đi lại cũng rất vất vả.
Mấy năm gần đây, phần vì kinh tế kiệt quệ, phần do sức khỏe giảm sút, việc thăm nuôi của hai vợ chồng dành cho con trai có phần thưa thớt hơn. "Nhà nỏ có chi nữa mô chú ạ, gần 20 năm chỉ nghĩ được mỗi việc là đến kỳ thăm nuôi phải làm sao ki cóp được đủ tiền lộ phí để động viên con.
Trong thời gian Thế bị kết án tử, không hiểu sao vợ chồng tui vẫn có niềm tin kỳ lạ, mỗi ngày đi qua, chưa thấy cán bộ quản giáo thông báo việc thi hành án là hai ông bà lại ra sức động viên. Chỉ sợ lỡ một lần thăm nuôi, con dại cái mang thì ân hận cả đời", bà Thao ứa nước mắt nghĩ về quá khứ.
Đặng Văn Thế những ngày cuối cùng tại Trại giam số 6. |
Chia sẻ với chúng tôi, Đặng Văn Thế kể, hơn một tháng sau khi được trả tự do, điều gã mãn nguyện nhất là bố mẹ vẫn còn mạnh khỏe, đồng nghĩa với việc bản thân gã có thêm thời gian để chăm sóc, phụng dưỡng đấng sinh thành.
Trong thời gian kể từ khi ra trại đến nay, chưa đêm nào Thế ngủ ngon giấc, trong đầu luôn quẩn quanh ý nghĩ phải làm gì kiếm ra tiền để chăm nuôi bố mẹ.
Kiếm tiền, theo Thế ở đây đồng nghĩa với việc phải là đồng tiền sạch, làm ra từ sức lao động của chính bản thân chứ không phải những đồng tiền bẩn mà tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ để rồi phải trả cái giá quá đắt trong suốt gần 20 năm của tuổi trẻ.
"Ban đầu, tôi định lên thị trấn Hòa Bình (huyện lỵ Tương Dương, cách nhà khoảng 200km) để làm thuê nhưng bố mẹ đã gạt phắt đi, cho rằng đó là nơi mà tôi bắt đầu sa ngã, cũng là nơi có rất nhiều cám dỗ, sợ tôi không đủ bản lĩnh để vượt qua.
Gần một tháng nay, một người bạn làm nghề vận tải khách chuyên tuyến Nghệ An - Hà Nội, biết chuyện tôi được tự do nên đã kêu đi phụ xe và tôi quyết định chọn công việc này.
Nụ cười hoàn lương của Đặng Văn Thế. |
Trước hết làm công ăn lương, sau này có chứng minh nhân dân, có vốn tôi sẽ đi học lại bằng lái để có thể tự lập trong công việc", Đặng Văn Thế tự tin chia sẻ về công việc hiện tại của mình.
Nói về chuyện riêng tư của đời mình, Đặng Văn Thế thật thà cho biết, bản thân gã chưa tính đến, bởi thời gian này muốn dành trọn cho bố mẹ. Người vợ cũ không hôn thú, ngày gã vướng lao lý đã vào tận trại giam chìa lá đơn xin ly dị, hiện tại vẫn sống đơn thân với một cô con gái 13 tuổi.
Nhưng gã bảo, tình cảm đã hết từ sau ngày chia biệt ấy, nên dù hai bên gia đình đang rất muốn vun vén trở lại, song gã thì không.
Theo Thiên Thảo/Cảnh sát Toàn Cầu