Rùng rợn “chiêu” buôn người, ép bán dâm
Rất nhiều cô gái trẻ bị bọn buôn người bán qua biên giới (ảnh minh họa)
Câu kết với người nước ngoài để buôn bán người
Theo Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và móc nối với người nước ngoài.
Điểm nóng nhất của tình trạng mua bán người ở Việt Nam là ở tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng số vụ mua bán người, phát hiện chủ yếu tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nạn nhân phần lớn là từ các tỉnh, thành phố phía Bắc bị đưa tới các tỉnh biên giới bán sang Trung Quốc.
Nạn buôn bán người tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chiếm khoảng 11% tổng số vụ mua bán người trên cả nước; Tại tuyến Việt Nam - Lào, chiếm khoảng 6% tổng số vụ.
Ngoài ra, nạn buôn bán người còn thông qua đường hàng không, đi các nước: Việt Nam- Hàn Quốc, Malaixia, Singapose, Hồng Kông, Đài Loan; Việt Nam – Châu Ẩu (Nga, Đức, Pháp...
Qua đấu tranh cơ quan chức năng phát hiện một số đường dây người Việt câu kết với người Séc, Nga, Hồng Kông Thái Lan, Malayxia, Singapose… lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam vào du lịch, thăm than, liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.
Mặt khác, nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, khi quay về Việt Nam dưới dạng thăm quê hoặc trốn về lại cấu kết các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc (kể cả người thân trong gia đình)...
“Chiêu” buôn người, ép bán dâm
Bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng buôn người đã lừa gạt đưa phụ nữ trẻ em ra nước ngoài bán làm vợ bất hợp, không ít nạn nhân còn bị ép bán dâm.
Nạn nhân của bọn buôn người phần lớn là trẻ em, phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi nghèo có trình độ vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ hiểu biết hạn chế, thất nghiệp...
Các đối tượng buôn người thường lừa gạt các cô gái dưới danh nghĩa tìm giúp việc, rủ đi làm ăn cùng, mang vác hàng hóa ở bên kia biên giới; thậm chí tạo mối quan hệ “yêu nhau”, chúng lừa nạn nhân đi du lịch. Khi ra khỏi biên giới bọn chúng bán ngay cho các đối tượng cò mồi đang chờ sẵn.
Lợi dụng công nghệ viễn thông hiện đại, bọn buôn người thông qua mạng internet, điện thoại di động để lừa học sinh, sinh viên đưa ra nước ngoài bán. Thường thì các nạn nhân bị bán vào các động mại dâm dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu vùng sa để bán làm vợ bất hợp pháp.
Táo tợn hơn nữa, bọn buôn người còn đột nhập vào nhà dân để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; núp bóng dưới các trung tâm nhân đạo để lập hồ sơ hợp pháp nhận con nuôi rồi đưa ra nước ngoài...
Trong năm 2012, lực lượng chức năng còn phát hiện hình thức buôn bán người mới dưới hình thức bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai, mua bán nội tạng hay mua bán nam giới để cưỡng bức lao động...
Đặc biệt, một số phương thức thủ đoạn mới như cho vay nặng lãi rồi ép bán nạn nhân vào động mại dâm; không làm các thủ tục cư trú để bắt các nạn nhân lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục. Điển hình là vụ công an Tây Ninh triệt phá ổ tội phạm dưới hình thức cho vay nặng lãi rồi ép nạn nhân bán dâm, cơ quan công an đã giải cứu 16 nạn. Giữa tháng 11 vừa qua, công an TP HCM cũng triệt phá đường dây mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động và giải cứu 21 trẻ em...
Tính đến ngày 20/12/2012, toàn quốc phát hiện hơn 3.000 vụ, với hơn 5.000 đối tượng, lừa bán hơn 6.500 nạn nhân. So với 7 năm trước (1996-2003), phát hiện tăng 1.300 vụ, gần 2.500 đối tượng và 3.200 nạn nhân. |