Quy định về giám định hàm lượng chất ma túy: Khó cũng phải làm
Công văn số 234/TANDTC-HS của TANDTC về việc bắt buộc giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999, có thể coi đây là quy định tiến bộ trong tố tụng hình sự, phù hợp với Hiến pháp.
Xung quanh nội dung công văn đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các Luật sư. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đề cập vấn đề này với sự phân tích, lý giải rõ ràng.
Giám định hàm lượng chất ma túy nhằm bảo đảm xét xử tội phạm khách quan, chính xác |
Công văn 234 của TANDTC để quán triệt hệ thống TAND các cấp thực hiện Thông tư liên ngành
Trước tình hình tội phạm sản xuất, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, ngày 24/12/2007, Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC- Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 17). Đây là một Thông tư liên tịch quan trọng nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án về ma túy.
Theo quy định tại Phần I, mục 1.4 của Thông tư liên tịch số 17 thì: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.
Tuy nhiên qua công tác giám đốc việc xét xử, TANDTC thấy còn có nhiều trường hợp HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy để kết tội các bị cáo, mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó, như vậy là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên ngành, dẫn đến hậu quả có thể xét xử bị oan sai.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 17/9/2014, TANDTC ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS yêu cầu TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND các huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, Tòa án quân sự các cấp cần quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17, đó là khi xét xử các vụ án phạm tội về ma túy thì phải có kết quả trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy, từ đó xác định đúng trọng lượng chất ma túy để kết tội các bị cáo. Yêu cầu này của TANDTC là chấp hành theo đúng Hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 mà 4 cơ quan Trung ương đã ký để làm căn cứ cho Tòa án kết tội các bị cáo bảo đảm khách quan, chính xác.
Tuy nhiên có một số quan điểm, ý kiến không đồng tình, cho rằng quy định như vậy làm “bó tay” cơ quan tiến hành tố tụng bởi việc giám định hàm lượng chất ma túy là khó khăn, kéo dài. Có ý kiến từ một số cơ quan tố tụng địa phương phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và đề nghị hủy bỏ quy định giám định hàm lượng với lý do Bộ Công an không có đủ máy móc, phương tiện kỹ thuật và con người để thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy v.v…
Theo Thạc sỹ Đinh Công Tuấn, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp: Trên thực tế, nội dung Công văn số 234 TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của TANDTC không phải là quy định mới mà chỉ là để triển khai thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 17, trong đó có quy định “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định hàm lượng”. Như vậy TANDTC cũng chỉ một lần nữa nhắc lại yêu TAND và Tòa án quân sự các cấp quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch mà các cơ quan Bộ Công an-VKSNDTC-TANDTC và Bộ Tư pháp đã ký.
Giám định hàm lượng chất ma túy nhằm bảo đảm quyền con người, tránh oan sai |
Để bảo đảm xét xử khách quan, chính xác: khó cũng phải làm
Thông tư số 17 cũng như Công văn số 234 ngày 17/9/2014 của TANDTC đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình không những của các cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng, mà cả ý kiến của cơ quan chuyên môn, trong đó có Bộ Y tế.
Mới đây nhất, ngày 25/11/2014, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế có Công văn số 20542/QLD-KD gửi TANDTC nói rõ: “Chất ma túy cần được xác định và phân loại khác nhau vì trong Danh mục các chất ma túy do Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế cũng như danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 bao gồm nhiều loại chất ma túy khác nhau, mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mục đích sử dụng khác nhau, từ đó có các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp cũng như xử lý theo các mức độ khác nhau, ví dụ: Điều 194 BLHS quy định tội tràng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong một khung hình phạt: Heroin hoặc Cocain có trọng lượng từ 5gam đến dưới 30mg nhưng các chất ma túy khác ở thể rắn khác có trọng lượng từ 20mg đến dưới 100mg…
Thông tư liên tịch số 17 quy định việc cần phải xác định hàm lượng của chất ma túy vì hàm lượng của một chất là lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó. Ví dụ: trọng lượng vàng có chứa trong khối mỏ quặng sẽ khác với trọng lượng toàn bộ khối mỏ quặng đó. Các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần dùng để chữa bệnh cũng vậy: hàm lượng của chất gây nghiện có trong thuốc khác với trọng lượng của viên thuốc.
Như vậy, việc xác định loại ma túy, hàm lượng và trọng lượng của từng chất ma túy là cần thiết vì như vậy ta xác định chính xác số lượng chất gây nghiện, chất hướng tâm thần chứa trong đó. Ta không thể xét xử kẻ phạm tội sản xuất buôn bán, tàng trữ gói 1kg chất ma túy có chứa 2% chất ngây nghiện (tương đương 20mg chất gây nghiện) giống như gói 1kg (1000mg) chất gây nghiện hàm lượng 100% chất gây nghiện, vì Điều 194 BLHS quy định tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy có các khung hình phạt khác nhau cho người tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy ở thể rắn có trọng lượng từ 20gam đến dưới 100mg, từ 100mg đến dưới 300 gam, từ 300mg trở lên”.
Test kiểm tra nhanh nồng độ ma túy trong bình rượu ngâm rễ cây thuốc phiện |
Để tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, ngày 14/10/2014, Lãnh đạo liên ngành Trung ương TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã họp với với sự có mặt các đơn vị chức năng của các cơ quan và đại diện Bộ Y tế do Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì.
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện lãnh đạo và các đơn vị chức năng, Chánh án Trương Hòa Bình tổng hợp các ý kiến và sơ bộ kết luận: Quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn liên ngành tại Thông tư liên tịch số 17 là rất chặt chẽ và cụ thể. Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 yêu cầu các TAND thực hiện đúng quy định tại tiểu mục 1.4, mục 1, phần 1 của Thông tư 17 là đúng đắn và cần thiết để tránh oan sai khi xét xử. Giám định hàm lượng chất ma túy là rất quan trọng để xác định khung hình phạt, đặc biệt là những vụ án có mức hình phạt tử hình, liên quan đến sinh mạng con người, liên quan đến vấn đề quốc tế, đến trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, các ngành, đơn vị khác.
“Do đó, phải thực hiện nghiêm túc các quy định hướng dẫn của Bộ luật Hình sự và Thông tư liên tịch số 17, đó là việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt bị cáo…” - Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định.
Chúng tôi cho rằng thực tế hiện nay đang có khó khăn, lúng túng trong việc giám định hàm lượng chất ma túy. Tuy nhiên Việt Nam hiện đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người, bởi vậy trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử luôn phải đảm bảo sự công bằng và vì quyền con người. Quy định về giám định hàm lượng chất ma túy tại Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành tư pháp Trung ương và Công văn số 234 của TANDTC là hoàn toàn phù hợp. Không thể lấy những khó khăn về máy móc, phương tiện kỹ thuật và con người làm lý do để không thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 17. Bởi lẽ với sự phối hợp của các ngành liên quan, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để thực hiện cải cách tư pháp thì khó khăn trên sẽ từng bước được giải quyết. Đặc biệt chỉ có xác định được hàm lượng chất ma túy trong số ma túy thu giữ được thì Tòa án mới có thể tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đây là một quy định tiến bộ, bảo đảm quyền con người, và để tránh xét xử oan sai, khó cũng phải làm!