"Qua mặt" cơ quan điều tra, người cha muốn đi tù thay con
Tại phiên tòa về vụ tai nạn giao thông đường bộ hôm đó, bị cáo được tại ngoại đứng trước vành móng ngựa với mái tóc muối tiêu, đã ngoài 60 tuổi. Bị cáo trả lời rành rọt các câu hỏi của Tòa và có vẻ như sẵn sàng chấp nhận mức án tù, dù nhẹ hay nặng nhằm phần nào bù đắp cho tội lỗi của mình.
Tôi hỏi bị cáo: “Lúc gây ra tai nạn bị cáo đang chạy với tốc độ bao nhiêu cây số một giờ?”
Bị cáo: “Khoảng chừng 35 cây số trên giờ”.
Tôi: “Bị cáo có thấy chiếc xe lam phía trước đang đậu sát đường không?”
Bị cáo: “Thưa Tòa, có. Lúc đó bị cáo định đánh tay lái qua bên trái đường để qua mặt chiếc xe lam, nhưng cùng lúc đó có chiếc xe tải chạy theo hướng ngược chiều lại với tốc độ cao nên bị cáo không vượt qua được, vì thế xe của bị cáo đâm vào đuôi xe lam khiến hai người trên xe lam bị tử vong”.
Tôi: “Sau khi đâm vào chiếc xe lam ấy, bị cáo làm gì?”
Bị cáo: “Bị cáo bỏ xe lại hiện trường để chạy trốn và hôm sau bị cáo ra trình diện tại cơ quan công an”.
Tôi: “Tại sao bị cáo không ở lại giúp đỡ nạn nhân?”
Bị cáo: “Bị cáo sợ bị người đi đường đánh nên phải bỏ trốn, do trên xe của bị cáo còn một người con của bị cáo ở lại để báo công an đến và giữ nguyên hiện trường”.
Ảnh minh họa |
Tôi hỏi nguyên đơn dân sự trong vụ án là người lái xe lam: “Xe của ông bị thiệt hại hết bao nhiêu tiền?”
Người lái xe lam ngần ngừ trong giây lát rồi trả lời rành rọt từng tiếng một: “Thưa tòa, tôi phải sửa lại xe hết 20 triệu. Nhưng bị cáo này không phải là người đã gây ra tai nạn hôm ấy”.
Điều này quả là một tình tiết kỳ lạ không có trong hồ sơ vụ án, tôi gằn giọng: “Ông hãy khai báo cẩn thận, vì sao ông quả quyết đây không phải là người gây ra tai nạn hôm ấy?”
Nguyên đơn: “Hôm đó khi xảy ra sự việc này thì trên ca-bin xe tải gây ra tai nạn có hai thanh niên mở cửa xuống xem, một thanh niên dùng điện thoại báo công an, còn một thanh niên khác sau đó không còn thấy ở hiện trường nữa".
Tôi lại hỏi bị cáo: “Bị cáo nghĩ sao về lời khai này?”
Bị cáo điềm tỉnh trả lời: “Không đúng, chính tôi là người gây ra tai nạn giao thông!”
Tôi xem lại phần lý lịch bị can trong hồ sơ vụ án, rồi hỏi: “Bị cáo có bao nhiêu người con?”
Bị cáo: “Thưa Tòa, tôi có bốn đứa con, gồm hai trai, hai gái.”
Tôi: “Các con trai của bị cáo làm nghề gì?”
Bị cáo: “Chúng nó cũng làm tài xế như tôi”.
Tôi: “Cả hai đứa con trai của ông cũng đều lái xe tải cả à?”
Bị cáo: “Dạ đúng!”
Tôi: “Cả gia đình cùng lái cho một công ty hay sao?”
Bị cáo: “Dạ, đúng!”
Tôi hỏi đại diện của bị đơn dân sự, là công ty vận tải: “Công ty ông có thuê bị cáo và hai người con của bị cáo này lái xe tải không?”
Ngập ngừng một lát, đại diện bị đơn dân sự trả lời: “Trước đây bị cáo có hợp đồng lái xe cho công ty nhưng đã nghỉ việc gần ba năm nay rồi.”
Tôi: “Không, Tòa muốn hỏi trong thời gian xảy ra tai nạn giao thông thì bị cáo này có lái xe cho công ty không?”
Bị đơn dân sự: “Chúng tôi chỉ có hợp đồng lao động với các con của ông này thôi”.
Tôi: “Ông hãy trả lời thẳng câu hỏi của Tòa!”
Bị đơn dân sự: “Dạ… Thưa không!”
Tôi quắc mắt hỏi: “Vậy ngày hôm đó lệnh chuyên chở của công ty giao cho ai lái?”
Mắt lấm lét một chút rồi định thần lại, đại diện công ty vận tải ấy trả lời luôn: “Hôm đó lệnh chuyên chở giao cho hai người con trai của bị cáo”.
Vậy là đã rõ. Một người con của ông ta đã ở lại giữ hiện trường với tư cách nhân chứng, một người con khác đã bỏ trốn. Ngày hôm sau người cha đã trình diện với cơ quan công an và nhận tội thay cho con mình. Với tình tiết này, chỉ cần một sự hời hợt, vô tâm của mình là Hội đồng xét xử đã xử oan một người vô tội.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã tuyên bố trả hồ sơ điều tra bổ sung để cơ quan điều tra xem xét lại việc khởi tố bị can đối với người thực tế đã gây ra tai nạn hôm ấy cho đúng người, đúng tội.
Người cha với vị trí “bị cáo” trong phiên tòa hôm ấy đành thất thểu ra về với vẻ mặt phiền muộn vì không được đi tù thay cho con. Còn trong tim mình, tôi chợt nghe văng vẳng câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..."