Quá khó để giữ khoảng cách 1,5m cho học sinh trong lớp học
Nếu sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp để đảm bảo giãn cách 1,5m với học sinh trong lớp học thì nhiều trường học sẽ phải tổ chức học 2-3 ca/ngày trong khi điều kiện cơ sở vật chất và lượng giáo viên không đáp ứng được.
Nhiều ĐH top đầu vẫn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đề xuất, nhiều trường ĐH đã thông báo hủy bỏ kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển.
Hiện nay việc giãn cách xã hội đã được nới lỏng hơn, một trong số các hoạt động được xã hội quan tâm nhất có lẽ là việc học sinh quay trở lại trường đi học. Để chuẩn bị cho việc này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, nếu học sinh đi học trở lại thì mỗi lớp chỉ 20 em và cách nhau 1,5m. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc này gần như không thể thực hiện được trong điều kiện lớp học rất đông và thiếu thốn cơ sở vật chất.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông học sinh, trung bình khoảng 45 học sinh/lớp. Do đó, nếu sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi.
Để phù hợp với tình hình thực tế, TP Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT cho xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, học sinh có thể học 2 ca/ngày, nhưng sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn số lượng 20 học sinh, đồng thời vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không để dịch Covid-19 lây lan trong trường học.
Rất khó thực hiện giữ khoảng cách trong lớp học 1,5m. |
Thực tế tại tỉnh Thái Bình, học sinh lớp 9 và học sinh THPT cũng quay trở lại trường từ 20/4 nhưng việc học sinh ngồi cách nhau 1,5 – 2m là rất khó.
Một lãnh đạo trường THPT tại huyện Đông Hưng cho biết: “Trung bình, một lớp có khoảng 40-50 học sinh. Học sinh lớp 11 và 12 học buổi sáng và lớp 10 học buổi chiều nên khó chia lớp học thành hai ca (ca sáng, ca chiều) để đảm bảo giãn cách mỗi học sinh cách nhau 1,5-2m.
Một vấn đề khác là giáo viên có thể được phân công dạy cả lớp 10 và lớp 12. Nếu chia mỗi lớp thành hai ca sẽ dẫn đến việc trùng ca học với nhau, rất khó sắp xếp giáo viên lên lớp. Chưa kể, nhiều trường thiếu phòng học. Một phòng học có thể cho HS lớp 12 học sáng và lớp 10 học chiều. Nếu muốn chia ca thì cũng không có phòng học để chia”.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã quyết định cho học sinh THCS, THPT, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh trở lại trường từ ngày 27/4. Riêng học sinh mầm non, tiểu học sẽ được trở lại trường từ 4/5.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, việc thực hiện giãn cách mỗi lớp có sĩ số 20 học sinh và khoảng cách giữa các học sinh là 1,5m là điều bất khả thi trong điều kiện hiện nay vì lớp học đông và thiếu phòng học.
Theo ông Thành, cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An không đủ số lớp, số phòng để chia học sinh thành các ca. Việc chia đôi lớp học sẽ tác động đến tâm lý học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Phụ huynh cũng sẽ hoang mang, băn khoăn không biết dịch đã khống chê được chưa mà phải chia như vậy.
Đó là chưa kể, nếu dạy chia nhiều ca như thế thì tiền đâu ra để trả cho giáo viên. Như hiện nay định mức 1 tuần giáo viên dạy toán chỉ có 15 tiết, nay chia ra 2 ca sẽ tăng thành 30 tiết, buộc phải trả thêm tiền cho giáo viên vì họ lên lớp gấp đôi thời gian.
Hoàng Thanh