Phúc thẩm vụ án Huyền Như: Chủ tọa phát cáu vì luật sư
“Tôi không hiểu luật sư đang nói vấn đề gì”
Sáng ngày 27/12 HĐXX phúc thẩm vụ án Huyền Như và đồng phạm tiếp tục bước vào phần tranh luận. Trong phần trình bày kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thiên Lý, luật sư của Lý cho rằng cơ quan điều quyết định bắt tạm giam Lý (hiện Lý đã được tại ngoại) là không công bằng, bởi một số bị cáo có cùng hành vi phạm tội nhưng vẫn được tại ngoại.
Bị cáo Như đi ra xe về trại giam sau phiên xử. |
Tuy nhiên cách trình bày dài dòng của vị luật sư đã khiến Chủ tọa phiên tòa Quảng Đức Tuyên phải hai lần lên tiếng nhắc nhở “đề nghị luật sư đi thẳng vào trọng tâm”. Tiếp theo, trong phần kháng cáo về số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Nguyễn Thiên Lý, vị luật sư này liên tục đưa ra những phép cộng trừ về lãi suất, và các khoản vay, trả...
Trước phần trình bày này vị Chủ tọa thêm một lần phải nhắc nhở với thái độ khá căng thẳng. “Tôi rất chú ý nghe luật sư trình bày, nhưng thú thật tôi không hiểu luật sư đang nói vấn đề gì”. – chủ tọa Tuyên nói.
Vị chủ tọa cho rằng, về bản chất, kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thiên Lý chỉ xoay quanh số tiền thu lợi bất chính từ việc cho Như vay tiền. “Cáo trạng của VKS sơ thẩm cáo buộc Lý thu lợi bất chính 735 tỷ đồng, nhưng án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo trả lại 414 tỷ đồng. Do có mâu thuẫn này nên VKS phúc thẩm đề nghị HĐXX tuyên hủy để điều tra lại. Như vậy theo luật sư con số nào là chính xác? Luật sư chỉ cần tập trung làm rõ điểm đó thôi”. – Chủ tọa “gắt” lên khi giải thích.
Sau một hồi nhẩm tính, vị luật sư đưa ra con số cụ thể, nhưng theo Chủ tọa thì điều này lại gây bất lợi cho bị cáo vì con số này lớn hơn số tiền án sơ thẩm đã quy kết. Sau khi luật sư này kết thúc bài bào chữa, bị cáo Lý đã phải xin phép HĐXX phát biểu sửa lại, và việc này chỉ mất khoảng 3 phút. (bị cáo Lý cho rằng VKS sơ thẩm chưa làm rõ một số khoản tiền vay giữa Lý và Như nhưng vẫn quy tất cả là thu lợi bất chính, và đó là lý do kháng cáo).
Nhân viên Vietinbank chỉ vi phạm quy định nội bộ
Cũng trong buổi sáng ngày 27, các luật sư đã bào chữa cho các bị cáo (nguyên là nhân viên làm việc tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng (Vietinbank chi nhánh TP.HCM) liên quan đến nhóm tội “vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng”.
Mở đầu phần này, luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) cho rằng bị cáo chỉ vi phạm quy định nội bộ của Vietinbank chứ chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vị luật sư cũng dẫn công văn của Vietinbank đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh của các nhân viên trong vụ án của Như. Theo ngân hàng này thì họ chỉ vi phạm các quy định nội bộ
Bên cạnh đó ông cũng nhận định Du không hề cố ý khi gây ra thiệt hại đối với Vietinbank, mà xét về bản chất thì Du cũng là một nạn nhân của Như, vì quá tin tưởng Như mà vi phạm và hoàn toàn không thu lợi gì từ hành vi này.
Do đó vị luật sư cho rằng mức án 17 năm tù giam của tòa sơ thẩm là quá nặng. Ông kiến nghị HĐXX tuyên hủy mức án này để điều tra lại.
Trong khi đó với bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), luật sư Hà Mạnh Tường cũng phản bác lại việc đại diện VKS đã bác đơn kháng cáo kêu oan của Tiên.
Theo ông thì qua hồ sơ và các chứng cứ của vụ án có thể chứng minh rằng Tiên không liên quan đến việc bị cáo Như chiếm đoạt tiền của ACB và Navibank (Như chiếm đoạt bằng cách làm 5 bộ hồ sơ giả).
Ông cho rằng Tiên chỉ liên quan đến việc giải ngân số tiền gần 300 triệu đồng, tuy nhiên khi đó hồ sơ giải ngân của số tiền trên cũng đã đầy đủ thủ tục. Từ các lập luận trên luật sư Tường đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm hoặc tuyên bị cáo Tiên vô tội.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) và Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần) cũng đưa ra các lập luận cho thấy bản chất việc làm của họ không nghiêm trọng như cáo trạng quy kết từ đó xin giảm nhẹ hình phạt.