Phúc thẩm vụ án Huyền Như: Cho vay trăm tỷ không cần giữ giấy nợ!
Cho vay dựa trên tín nhiệm
Sáng 22/12, phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như bắt đầu thẩm vấn các bị cáo Đào Thị Tuyết Dung và Nguyễn Thiên Lý liên quan đến tội “cho vay nặng lãi”. Tại phiên sơ thẩm, hai bị cáo bị tuyên mỗi người 2 năm tù giam cho hành vi này.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Dung (Giám đốc Cty THNN cầm đồ Dung Vân) cho biết mình quen Như qua một người bạn và sau đó bắt đầu cho Như vay tiền. Dung chuyển tiền cho Như bằng hai hình thức: tiền mặt và chuyển khoản (chuyển khoản qua Công ty Hoàng Khải – “sân sau” của Như và Tuấn). Như cũng trả tiền cho Dung bằng hai hình thức này.
Bị cáo Như ra xe vào sáng ngày 22/12. |
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011 Dung đã cho Như vay số tiền 265 tỷ đồng và thu về 440 tỷ đồng (thu lợi bất chính 175 tỷ đồng). Tuy cho Như vay một số tiền lớn nhưng khi trả lời trước HĐXX Dung cho rằng mình không hề lập sổ để theo dõi vì “Như mượn tạm mấy ngày là trả cả gốc và lãi”.
Khi thẩm phán Phạm Thanh Tùng đặt câu hỏi “Như vậy thì căn cứ nào để tính đúng sai mà xin giảm nhẹ hình phạt?”, Dung trả lời: “Bị cáo có ghi lại giấy nợ nhưng sau khi Như thanh toán thì đã bỏ đi cả”. Bên cạnh kháng cáo xin “giảm nhẹ hình phạt” Dung cũng đòi Như trả 150 tỷ đồng còn nợ.
Khi thẩm phán Quảng Đức Tuyên hỏi Dung dựa trên cơ sở nào để đòi Như trả lại thì Dung cho biết khi vay Như có viết giấy nhận nợ và thế chấp bằng các khu bất động sản.
Trong phần đối chất Như cho biết mình cũng không lập sổ sách các lần mượn tiền của Dung nhưng nhân viên (Huỳnh Mỹ Hạnh) có ghi lại số tiền giao nhận và các bảng sao kê tại ngân hàng.
HĐXX hỏi Như về số tiền chiếm đoạt của 3 công ty là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Bảo hiểm Toàn cầu đã được chuyển đi đâu. Trước câu trả lời "không nhớ" của Như, HĐXX đã công bố lời khai, trong đó Như cho rằng số tiền 713 tỷ (chiếm đoạt của 3 công ty trên) đã được chuyển qua tài khoản của Dung.
Lúc này Như nói rằng trong số tiền này chỉ có một phần dùng trả nợ lãi vay của Dung còn lại Như yêu cầu Dung chuyển cho những nơi khác. Tuy vậy Như không còn nhớ đã chuyển cho ai. Sau đó Dung cũng thừa nhận đã nhận tiền và chuyển đi bằng hình thức chuyển khoản theo yêu cầu của Như. Giống Như, Dung cũng không nhớ mình đã chuyển số tiền này cho những ai.
“Theo sao kê thì dòng tiền cuối cùng dừng lại tài khoản của Cty Dung Vân, nếu bị cáo không chứng minh được số tiền này đã chuyển đi đâu thì bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì đây là tài sản bị chiếm đoạt nên sẽ phải thu hồi đề trả lại cho bị hại” – thẩm phán Tuyên nói với bị cáo Dung.
“Bị cáo phạm tội tin Như!”
Trong khi đó tại phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thiên Lý, bị cáo Lý cho rằng tuy có lập sổ để theo dõi nhưng trong này không có xác nhận của người vay mà chỉ để “theo dõi cá nhân” (trong khoảng thời gian từ 4/2009 đến 9/2011 bị cáo đã nhận tổng cộng số tiền là 1.296 tỷ đồng). Lý cho rằng “Bản chất vụ việc bị cáo cũng là nạn nhân” nên xin HĐXX xem xét lại tội danh.
Trước kháng nghị này của Lý, đại diện VKS đã hỏi lại rằng “bị cáo phạm tội gì?". Lý nói đó là “tội tin Như”.
Sau đó Lý khẳng định hồ sơ vụ án đã ghi không đúng, đủ các tình tiết nên cáo trạng cũng quy kết sai. Bị cáo Lý nói: “Nếu HĐXX thấy đó là tội thì bị cáo cũng đành chịu”. Trước thái độ này của Lý, thẩm phán Nguyễn Đức Tuyên đã nghiêm giọng: “Bị cáo không được có thái độ như vậy, đây là HĐXX đang thẩm vấn đề làm rõ chứ chưa quy kết bất cứ điều gì”.
Khi HĐXX hỏi Như về hành vi trên thì Như trả lời: Năm 2008 Như bắt đầu thỏa thuận vay tiền của Lý với lãi suất Lý đưa ra là 0,4%/ngày (144%/năm – gấp 10 lần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định vào thời điểm đó).