Phúc thẩm bị cáo Huyền Như: Chỉ những ai vì vụ lợi mới bị Như lừa đảo
Navibank không có quyền đòi tiền Vietinbank?
Đối với Navibank, ông Trung cho rằng, nếu cắt khúc giao dịch và chỉ xét quan hệ hoạt động tiền gửi của bốn nhân viên ngân hàng Nam việt (Navibank) với Vietinbank thì Navibank “không có quyền đòi Vietinbank bồi thường”.
Lý do là tiền của Navibank đã không còn là của ngân hàng này kể từ sau khi họ chuyển vào tài khoản của bốn nhân viên (để mang đi gửi tại Vietinbank).
Phần tranh luận của các luật sư liên quan đến hành vi của bị cáo Huyền Như diễn ra rất căng thẳng. |
Luật sư Trung cũng đặt câu hỏi về việc Navibank cho nhân viên của mình vay tiền để mang đi gửi tại Vietinbank để lấy lãi vượt trần có vi phạm pháp luật không? Việc Navibank và các nhân viên đã nhận tiền lãi do Như chi trả có vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước hay không?
Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Trung đã trích trả lời của ông Nguyễn Giang Nam (Phó tổng giám đốc Navibank). Theo đó ông Nam cho rằng, vì mục tiêu lợi nhuận, Navibank đã chọn hình thức cho nhân viên vay tiền để gửi tại Vietinbank nhằm hưởng lãi suất cao (14%/năm trên hợp đồng, ngoài ra còn có từ 2,5% đến 8%/năm chênh lệch ngoài hợp đồng. “Hành vi của Navibank rõ ràng là trái pháp luật” – luật sư Trung nói.
Bên cạnh đó ông Trung cũng đưa ra lời khai của một nhân viên Navibank. Người này khẳng định chỉ ký tên làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank "thực tế tôi không có tiền để gửi tại đây".
Vị luật sư của Vietinbank cũng cho rằng, qua hành vi trên NaviBank đã thu lợi hơn 24 tỷ (tiền chênh lệch chi ngoài hợp đồng: 9 tỷ. Tiền lãi 14% theo hợp đồng: 15 tỷ). Ông Cũng lập luận rằng số tiền 24 tỷ này là do Huyền Như phạm tội mà có nên đáng ra phải tịch thu sung công quỹ hoặc đùng khắc phục hậu quả do Huyền Như gây ra.
Trong phần kháng cáo, đại diện và luật sư của Navibank đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến họ, và xét xử lại theo hướng buộc Vietinbank phải trả số tiền 200 tỷ đồng.
“Tiền của công ty Hưng Yên thực chất là của Maritimebank”(?)
Về trường hợp của công ty Hưng Yên, luật sư Trung cho rằng thực chất tiền của công ty này là của Ngân hàng Hàng hải (Maritimebank), còn công ty Hưng Yên chỉ là đơn vị ủy thác. “Việc làm này không khác gì việc lãnh đạo ACB uỷ thác cho các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank”.
Cũng theo ông Trung thì, sau khi việc làm của Như bị phanh phui, Maritimebank và ba công ty (Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên) đã vội vàng vay tiền để khắc phục hậu quả, tất toán các khoản ủy thác đầu tư.
Cụ thể, ông Trung đưa ra bản kết luận điều tra của Bộ Công an cho rằng. Đến ngày 21/9/2011 trước khi khởi tố vụ án, ba công ty phát hiện ra Như và Võ Anh Tuấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đã vay để trả lại cho Maritimebank toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt nêu trên.
Do hậu quả vật chất đã được khác phục nên chưa cần thiết phải xử lý hình sự, dù đã có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Từ các lý do trên, ông Trung cho rằng án sơ thẩm buộc Như bồi thường cho ba công ty là “đúng pháp luật và phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án”.
Kết thúc bài bào chữa hơn 20 trang, luật sư Trung cho rằng: Vụ án của Như và “bầu” Kiên đã cho thấy, chỉ những ai vì vụ lợi và có những thỏa thuận bất hợp pháp mới bị Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ông cũng nhấn mạnh đến việc dùng tiền gửi của dân và mang từ ngân hàng này sang gửi tại ngân hàng khác là hành vi lũng đoạn nền kinh tế, qua đó sẽ đẩy lãi suất lên cao giả tạo, làm mất lòng tin của khách hàng. Còn hàng triệu khách hàng đang giao dịch hợp pháp và tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và ngân hàng đều được bảo vệ quyền lợi tuyệt đối.
Tại phần kháng cáo, người đại diện và luật sư của công ty Hưng Yên yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền 200 tỷ đồng.