Phạt đến 3 triệu đồng vì tiểu bậy: Liệu có tác dụng?
Từ ngày 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như :
Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Đặc biệt, phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Quy định "Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng" được nhiều người rất quan tâm, nhưng nhiều người lo lắng nếu không có lực lượng thực thi, điều này có tác dụng?
(Ảnh minh họa) |
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Theo tôi việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những yếu tố sẽ tạo tính răn đe người vi phạm và góp phần hạn chế tình trạng tiểu bậy tràn lan và nhiều nơi công cộng như hiện nay”.
Tuy nhiên, luật sư Trần Minh Hùng cũng băn khoăn, đây không phải là biện pháp hữu hiệu khi ở Việt Nam việc giám sát còn nhiều hạn chế nguyên nhân do mặt khách quan và chủ quan.
Ngoài ra, đây là vấn đề thuộc về ý thức của cá nhân, mỗi con người nên dù phạt nhiều thì không hẳn sẽ hạn chế được tình trạng này. Hơn nữa việc tại nhiều nơi chung cư, công cộng không có nhà vệ sinh công cộng như các nước đã dẫn đến tình trạng người dân phải giải quyết nhu cầu cấp bách này để tránh tình trạng "chịu không được".
Vì vấn đề đi tiểu thuộc về sinh học của con người đến lúc đại tiện sẽ chịu không được buộc họ phải tiểu bậy do thiếu nhà vệ sinh công cộng.
“Nếu tăng mức phạt nhưng không có Cảnh sát kiểm tra, giám sát, cơ quan có thẩm quyền chuyên môn theo dõi để phát hiện vi phạm để xử phạt thì vấn đề tăng mức phạt sẽ không khả thi, không đi vào cuộc sống.
Hơn nữa người tiểu bậy, tiểu tiện luôn quan sát xem có ai không họ mới thực hiện hành vi nên cũng rất khó để phát hiện nếu không có các cơ quan công an chuyên ngành để giám sát, xử phạt. Hơn nữa việc tiểu bậy, tiểu tiện xong là xong nên việc cưỡng chế xử phạt cũng không hiệu quả khi người đó có thể bỏ chạy hoặc trốn tránh thì cũng rất khó khăn cho cơ quan chức năng’ - Luật sư Hùng giải thích.
Theo luật sư Hùng, để hiệu quả thì bắt buộc phải có cơ quan chuyên môn để tuần tra, giám sát phát hiện các hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc lắp đặt các camera nơi công cộng, chung cư...cũng là biện pháp xử phạt nguội nếu thấy cần thiết.
Luật sư Hùng kiến nghị: “Theo tôi ý thức là vấn đề quan trọng trong những thói quen xấu này. Để người dân có được một ý thức tốt thì phải được giáo dục, dạy dỗ từ gia đình, xã hội trường học từ nhỏ. Đây là vấn đề thuộc về xử phạt hành chính nên tính răn đe đối với người dân cũng không cao.
Việc tuyên tuyền cho người dân thực hiện đúng nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, tôn trọng quyền lợi công cộng, ý thức được cuộc sống công cộng là vấn đề quan trọng bậc nhất trong vấn đề giải quyết các thói quen xấu này. Do vậy, đây là vấn đề thuộc về ý thức, nhận thức cho mọi người”.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, chúng ta nên xây các nhà vệ sinh mang tiêu chuẩn sạch, miễn phí tại các nơi công cộng, chung cư, nhà cao tầng... để người dân thuận tiện trong việc giải quyết tiểu tiện.
Đáng chú ý, ở Việt Nam hiện nay có 1 số nơi công cộng có nhà vệ sinh công cộng nhưng rất mất vệ sinh và cách phục vụ của người trông coi nhà vệ sinh này rất khó chịu, không thân thiện cũng là nguyên nhân hạn chế tình trạng người dân vào nhà vệ sinh công cộng. Cần có camera lắp đặt tại các nơi công cộng cũng là một giải pháp để có thể nhắc nhở, xử phạt nguội người vi phạm.