Phạt 200 nghìn người quấy rối: "Bi hài trong Năm an toàn cho phụ nữ, trẻ em!"
Đây là quan điểm của ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền xung quanh vụ việc người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy.
Dư luận những ngày qua không khỏi bất bình trước sự việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 4/3, sau khi đi dạo với người quen về, chị P.H.V (20 tuổi) vào thang máy của tòa chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để lên phòng thì bị người đàn ông lạ mặt làm trò sàm sỡ. Hôm sau, cô gái đã đến trình báo với Công an Quận Thanh Xuân.
Tối 15/3, ông H. đã hẹn với gia đình cô gái 9h sáng 16/3 sẽ có mặt trụ sở Công an quận Thanh Xuân để giải quyết. Nhưng sau đó, Công an quận lại báo lại rằng cuộc hẹn sẽ lùi lại 30 phút. Gia đình cô gái vẫn kiên nhẫn chờ nhưng cuối cùng anh ta đã không đến.
Khẳng định đây là hành vi bạo lực trên cơ sở giới và quấy rối tình dục, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng: anh ta đã sử dụng sức mạnh thể chất của nam giới để gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và thậm chí là tình dục đối với cô gái trong thang máy (cưỡng hôn, đe dọa, gây trầy xước ngoài da).
Người đàn ông giở trò sàm sỡ và nạn nhân. |
Như vậy, nó không chỉ đơn giản là sàm sỡ, với những hành vi cố tình tấn công điểm yếu về giới của phụ nữ như vậy, nếu để lại hậu quả nghiêm trọng thì có thể cấu thành tội hình sự. Mà hậu quả của hành vi này thì không thể chỉ tính tới yếu tố chứng cứ vật chất, nó tổn thương về tinh thần, tâm sinh lý, hậu quả nặng nề hơn rất nhiều.
Nếu có sự nhận thức một cách đúng đắn và sâu sắc các hành vi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới thì cơ quan có thẩm quyền sẽ vận dụng luật pháp trong quá trình điều tra xử lý vụ việc chính xác hơn.
Tiếc rằng, một hành vi quấy rối có tính chất côn đồ với phụ nữ như thế, kẻ vi phạm thì trơ tráo, đã hành động vô pháp vô thiên ở nơi công cộng, lại còn có thái độ thách thức pháp luật, đe dọa người bị hại, xem thường cơ quan công quyền, dư luận xã hội như vậy nhưng cuối cùng chỉ bị phạt hành chính 200 ngàn đồng.
“Tôi thấy đó thực sự là một câu chuyện bi hài. Bi hài là nó xảy ra vào thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết xã hội trong Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội LHPN Việt Nam phát động, trong bối cảnh chúng ta đang rất nỗ lực đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Cá nhân tôi nghĩ, ở xã hội ta, nhận thức về pháp luật bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới còn nhẹ nhàng quá, thiếu chiều sâu nếu không muốn nói là hời hợt, xem thường”, bà Hiền nói.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền |
Bà Hiền cho rằng, với nhận định của cơ quan công an về hành vi của người đàn ông gây ra sự việc như thế thì họ áp dụng hình thức và mức xử phạt hành chính so với quy định hiện hành là không sai. Tuy nhiên, nó không còn đúng so với nhận thức và hiểu biết của người dân về pháp luật hiện nay.
“Tôi cho rằng quy định như vậy đã rất lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống thực tiễn. Và nó chỉ có tính “răn đe” với ai đó là nạn nhân bị quấy rối tình dục nếu muốn khởi kiện! Rõ ràng, đó là một việc khá phản tác dụng khi dùng pháp luật để quản lý trật tự xã hội.
Thật sự, nếu theo dõi dư luận báo chí những ngày qua, sự nhởn nhơ của những kẻ có hành vi coi thường phụ nữ, trẻ em, coi thường pháp luật như thế, thì tôi nói thật việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội, hành vi ứng xử đã vô tình bị những văn bản pháp luật kém chất lượng phá hoại.
Phải nhắc lại rằng, đây không phải là vụ đầu tiên áp dụng việc xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, đã có vụ việc phạt rất nhẹ đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở từng gây bức xúc xã hội rồi, thế nhưng cho đến nay, việc điều chỉnh sửa đổi vẫn chưa được thực hiện”, bà Hiền nhấn mạnh..
Có một thực tế, không chỉ riêng sự việc này, mà nhiều vụ việc gần đây cho thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật đã không còn phù hợp với đời sống thực tiễn. Ở khía cạnh tích cực, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cũng mong vụ việc gây xôn xao dư luận này sẽ có tính “răn đe” ngược lại đối với tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ xây dựng văn bản dưới luật. Nếu họ có lương tâm, phải tự thấy hổ thẹn khi đã đưa ra mức phạt quá xem nhẹ danh dự và nhân phẩm con người.
“Cần phải nhanh chóng điều chỉnh sửa đổi, cần phải nâng cao chất lượng việc xây dựng các văn bản dưới luật. Đương nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, khi xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, để đáp ứng với sự vận động phát triển của xã hội thì sẽ có lúc phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Luật phải luôn gần với cuộc sống và không thể có khoảng cách quá xa, phải có sự đồng bộ, tương ứng với những quy chuẩn đối với hành vi con người và môi trường xã hội. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình trở thành sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người là một sai lầm cần phải nhanh chóng loại bỏ”, bà Hiền nhấn mạnh.
Sau sự việc này, với vai trò là một đại biểu dân cử, bà Hiền cho rằng “các tổ chức CT-XH đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em cần xem xét, tìm hiểu kỹ càng thấu đáo tính chất các vụ việc xảy ra vừa qua để có sự lên tiếng và đấu tranh một cách phù hợp nhất”.
Nạn nhân mệt mỏi, bỏ cuộc Sau khi biết Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính người đàn ông sàm sỡ, cưỡng hôn mình trong thang máy, nạn nhân rất không đồng tình về mức phạt. Nạn nhân cho rằng sau hai lần yêu cầu xin lỗi công khai trước sự chứng kiến của cư dân, ban quản lý tòa nhà, tổ dân phố nhưng anh ta đều vắng mặt, chị đã đề nghị công an xử lý đúng tội danh theo quy định pháp luật. Tưởng sẽ có một mức phạt đủ sức răn đe để góp phần đẩy lùi hành vi xấu nhưng chị đã thất vọng. Theo chị, với những tổn thất về tinh thần và sức khỏe anh ta gây ra cho mình thì mức phạt 200.000 đồng là không thỏa đáng. Nhưng bản thân đã quá mệt mỏi vì sự việc kéo dài nhiều ngày nên chị sẽ không kháng nghị gì thêm với cảnh sát. |