Phan Văn Anh Vũ có vai trò gì ở Ngân hàng Đông Á?
Ông Trần Phương Bình - nguyênTổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB được đưa đến tòa hôm nay. |
Tiếp tục vụ án tại Ngân hàng Đông Á, khi kết thúc phiên xử sáng 27/11, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – người bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ đã nộp các tài liệu liên quan đến thân chủ lên HĐXX. Ông cho rằng đây là chứng cứ mới.
Tuy nhiên vào đầu giờ chiều, sau khi xem xét các tài liệu này, Chủ tọa cho biết, một trong số các giấy tờ này đã có trong hồ sơ vụ án. Số còn lại là tài liệu bằng tiếng nước ngoài, lại không phải là bản gốc nên không được chấp nhận vì không phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Trong chiều nay, HĐXX bắt đầu công bố bản cáo trạng dài khoảng 90 trang, nêu chi tiết hành vi phạm tội của các bị cáo. Dự kiến việc này có thể kéo dài đến sáng 28/11.
Theo cáo trạng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) được thành lập năm 1992 và đến nay đã qua 39 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trước thời điểm phát hiện sai phạm, DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước; cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79% (trong đó có nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ chiếm 7,7%; nhóm Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT) chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh chiếm 12,79%).
DAB có 1 Hội sở chính tại 130 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh; 1 Sở giao dịch (nay là Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), 55 Chi nhánh, 224 Phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm trên cả nước. Người đại diện pháp luật là Trần Phương Bình, chức vụ: Tổng giám đốc từ ngày 25/3/1998 đến ngày 20/8/2015.
Trong quá trình quản lý, Ngân hàng Nhà nước phát hiện có sai phạm nên đã tiến hành thanh tra hoạt động của DAB. Ngày 23/7/2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước công bố một số sai phạm xảy ra tại đây.
Khi đó, tổng số dư nợ tại DAB là 20.233 tỷ đồng, trong đó 123 khách hàng có dư nợ 19.644 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 9 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan với tổng dư nợ lên tới 19.414 tỷ đồng. Trong số này có 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi (chủ yếu là cho vay tín chấp).
Ngày 13/8/2015, DAB bị đặt trong trạng thái bị kiểm soát đặc biệt. Theo yêu cầu của Ban kiểm soát, trong các ngày 21 và 22/8/2015, DAB đã tiến hành kiểm tra kho quỹ trên toàn hệ thống, kết quả kiểm tra xác định kho quỹ Hội sở DAB thiếu hụt 2.089,09 tỷ đồng và 62.154,8 lượng vàng; kho quỹ DAB Sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỷ đồng.
Sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra. Ngày 09/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can để điều tra.
Đến nay đã xác định được Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, là đối tượng chính đã thực hiện các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ DAB trong quá trình chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư,… tại DAB, cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số 3.608 tỷ đồng.