Ông Phan Văn Vĩnh bị đề nghị 7 năm 6 tháng tù giam
Các bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam được đưa vào phòng xử. |
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, sáng 21/11, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ (VKS) tiến hành luận tội đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ.
Theo đánh giá của VKS, hậu quả gây ra cho xã hội trong vụ án này là “đặc biệt nghiêm trọng”. Các đối tượng đã tổ chức đánh bạc suốt thời gian 5 năm (2012-2017), lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia trên cả nước.
VKS khuyến cáo người dân nếu chơi game online cần tra cứu thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT hoặc Cổng thông tin điện tử của các Sở TT&TT về danh sách các trò chơi điện tử được phép lưu hành.
Cơ quan này cũng đề nghị HĐXX, với các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả từ 50% số tiền cần thu hồi trở lên cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Do đó, sẽ có sự phân hóa giữa các bị cáo, khoan hồng đối với những người tự thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường thiệt hại, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là thu hồi triệt để tài sản do phạm tội mà có.
VKS đọc bản luận tội 92 bị cáo. |
VKS cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với nhóm tội danh Rửa tiền vì mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền đã có từ lâu, nhưng rất ít người bị phát hiện rửa tiền, do vậy ý thức của các bị cáo về tội danh này còn hạn chế.
Trong quá trình xét xử, có 89/92 bị cáo thành khẩn nhận tội. 3 bị cáo còn lại gồm: Lê Thị Lan Thanh (Giám đốc Công ty GTS) chỉ thừa nhận tội Mua bán hóa đơn, không thừa nhận tội Tổ chức đánh bạc; Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận tội gián tiếp; Nguyễn Thanh Hóa quanh co chối tội.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC, bị cáo thừa nhận 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. VKS nhận định Dương là người giữ vai trò cầm đầu nhóm đối tượng tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội.
Bản thân Dương thu lời bất chính 1.655 nghìn tỷ đồng, sau đó thực hiện hành vi rửa tiền đối với số tiền 329 tỷ đồng. Dương mới chỉ tự nguyện khắc phục hậu quả được 245 tỷ đồng.
VKS đề nghị tình tiết giảm nhẹ đối với Dương là trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi của mình và đồng phạm nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với cả hai tội.
VKS đề nghị mức án cho Nguyễn Văn Dương là 8-9 năm tù đối với tội Tổ chức đánh bạc, 3-4 năm tù đối với tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt chung từ 11-13 năm tù. Đề nghị tuyên tịch thu toàn bộ số tiền 1.655 tỷ đồng thu lời bất chính của Nguyễn Văn Dương.
Đối với bị cáo Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VTC Online, Nam hoàn toàn thừa nhận hành vi của mình như cáo trạng truy tố.
Phan Sào Nam thu lời bất chính 1.475 tỷ đồng, sau đó chuyển tiền lòng vòng qua nhiều trung gian để đầu tư các dự án, mua bất động sản. Tổng số tiền Nam đã rửa tiền là hơn 300 tỷ đồng. Riêng khoản 3,5 triệu USD gửi tại Singapore, VKS đề nghị sau này tịch thu sung công, không tính là số tiền do Nam rửa tiền. Đến nay, Phan Sào Nam đã khắc phục được tổng số tiền là 1.335 tỷ đồng, bằng 90,7% số tiền thu lời bất chính.
Các bị cáo ngồi nghe VKS luận tội. |
Phan Sào Nam được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã tự thú, chủ động khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo,... VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phan Sào Nam từ 3-4 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc; 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hai tội danh, mức án đề nghị cho Phan Sào Nam từ 6-7 năm tù.
Đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tại phiên tòa, bị cáo cho rằng bản thân không phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như cáo trạng đã truy tố. Phan Văn Vĩnh cho rằng mình chỉ thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ.
VKS cho rằng lỗi của Phan Văn Vĩnh là lỗi cố ý, làm trái công vụ, cố ý không làm nhiệm vụ phải làm. Biết Công ty CNC có ý tưởng làm trái pháp luật nhưng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục C50) không giáo dục phòng ngừa.
Cả hai bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa nhận được nhiều báo cáo trình lãnh đạo cấp trên cấp phép cho CNC là công ty bình phong của C50, xây dựng và tổ chức vận hành các trò chơi trên mạng internet.
Biết CNC vận hành game bài nhưng Phan Văn Vĩnh vẫn cho phép vận hành thí điểm, đồng thời gửi văn bản lên lãnh đạo Bộ Công an trước khi xin Bộ TT&TT cấp phép (sau đó bị Bộ TT&TT từ chối cấp phép), VKS coi đây là hành vi “tiền trảm hậu tấu”.
Phan Văn Vĩnh ngồi nghe luận tội. |
VKS cho rằng chính Tổng cục Cảnh sát đã tạo chỗ dựa vững chắc để CNC và VTC Online vận hành game bài trái phép.
Quá trình xét hỏi tại phiên tòa cho thấy Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là người đồng ý cho phép CNC thí điểm hoạt động đánh bạc, việc cho phép này là trái với quy định của pháp luật.
Mặc dù biết CNC có hành vi vận hành cổng game thanh toán, nhưng Phan Văn Vĩnh không báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công an, cũng không có biện pháp ngăn chặn.
Việc Phan Văn Vĩnh đồng ý ký vào văn bản không số (sau này được Nguyễn Thanh Hóa phù phép thành văn bản ngày 12/10/2011), đây là văn bản quy định tỷ lệ góp vốn 20% của C50 vào công ty CNC. VKS kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ ở giai đoạn sau nếu đây là hành vi thông đồng để được ăn chia của Phan Văn Vĩnh.
Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã tạo điều kiện, nâng đỡ, bao che cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc, cố ý không chấp hành mệnh lệnh cấp trên, tạo điều kiện cho game bài hoạt động trái phép.
VKS cho rằng có đủ bằng chứng để chứng minh Phan Văn Vĩnh đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương phạm tội tổ chức đánh bạc.
VKS cũng nêu quan điểm Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Quá trình điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh hai bị cáo hưởng lợi cá nhân, do vậy giai đoạn 1 của vụ án mới chỉ truy tố Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Với những căn cứ thu thập được và lời khai trước tòa, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù đối với tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau khi luận tội đối với Phan Văn Vĩnh, HĐXX thông báo tạm nghỉ trưa, 14h chiều nay sẽ tiếp tục luận tội các bị cáo còn lại.