Nổi "máu đại ca", đánh gái bán hoa, ép quan hệ, rồi cướp điện thoại
Khổ
“Vợ” R ôm con nhỏ, lặng lẽ ngồi ghé phía ngoài cùng chiếc ghế, cuối phòng xét xử, gương mặt non choẹt buồn buồn, ngại ngùng. Số là, sau khi R bị bắt, chúng tôi tìm đến nhà ông bà ngoại R ở phường Kim Long, mới được ông ngoại R cho hay, cả nhà R (cha mẹ, anh em và… vợ con R gồm 8 người) đăng ký hộ khẩu ở nhà ông, nhưng sinh sống trên chiếc đò nhỏ. Thấy mặt khách tỏ vẻ ngạc nhiên vì R còn ít tuổi đã có vợ, người mợ của R nhanh nhảu: “Thằng R quen vợ nó lúc con bé đang học lớp 10, lỡ có bầu nên chỉ tổ chức đám cưới”. Hỏi, chưa đủ tuổi, sao đăng ký kết hôn? Mợ R tỉnh queo: “Có đăng ký đăng kiếc chi mô. Sinh con xong, cháu dâu tui được cha mẹ ruột tài trợ tiền bạc cho đi học tiếp, chứ cha mẹ thằng R tiền mô! Chừ hắn đang học lớp 11.” Hỏi tên vợ R, người mợ ngẩn ra: “Tui cũng không nhớ tên của con bé, chỉ biết tên thường gọi ở nhà”.
Ảnh minh họa: Internet |
Chúng tôi lại lần về khúc sông gần chợ Đông Ba, đò của gia đình R neo ở bến. Trong lòng đò nhỏ hẹp, cha R mặt mày đen đúa khắc khổ, ngồi thẫn thờ. Phía cuối đò, một cô gái mặt non choẹt, ôm đứa trẻ chưa đầy tuổi đang ngủ say, buồn bã. Cha R nói: “Vợ con thằng R đó. Vợ tui đi chợ từ sáng, kiếm mấy thứ để gửi vô (trại tạm giam) cho con”.
Người đàn ông này kể, trước gia đình họ làm nghề chở cát sạn thuê. Chiếc đò tã rách là nhà, cũng là phương tiện kiếm sống. Vất vả mà thu nhập cũng chẳng đủ sống, cha mẹ R vay mượn tiền sửa chữa, tân trang lại chiếc đò, chở khách du lịch. Nhưng vì đò nhỏ, cũ kỹ không thể “đọ” được với những chiếc thuyền “rồng” bề thế khác, nên việc làm ăn cũng chỉ “cò con”. Mấy anh em R lên bờ, mỗi đứa kiếm một việc làm thuê, “may nhờ rủi chịu”, cha mẹ không quản được. “Hôm hắn bị bắt, vợ chồng tui đem chút tiền ki cóp được, đến đồn công an đền cho người ta (bị hại) 300 nghìn đồng. Thấy chị đó đi xe thồ đến, vợ tui đưa thêm 20 nghìn đồng để người ta đi xe thồ về”. Mẹ R từ chợ về. Chiếc áo mưa tiện lợi mỏng dính khiến chị ướt loi ngoi. Con dâu trao đứa bé đang ngủ cho cha chồng, đỡ chiếc túi từ tay mẹ chồng, xách vào phía đuôi thuyền. “Không có tiền nên lượn lui lượn tới hàng đồ bành (đồ cũ) mãi, tui mới kiếm được mấy cái áo cho hắn. Mua thêm được mấy gói mì ăn liền…” Người mẹ buồn bã phân trần.
Trớ trêu
Tòa yêu cầu bị cáo khai hành vi phạm tội. Bị cáo ấp úng khai giữa mình và bị hại có quen biết nên dẫn đến việc “quan hệ”, sau đó, bị cáo đe dọa để lấy tiền, điện thoại di động của bị hại nhưng “lờ tịt” hành vi đánh bị hại. Tòa phải hỏi nhiều lần, đối chất lời khai của bị cáo và bị hại, diễn biến sự việc mới được cả bị cáo và bị hại khẳng định lại đúng như cáo trạng đã truy tố. Có điều, trong lúc khai báo, không chỉ bị cáo mà bản thân bị hại cũng ấp a ấp úng. Có lúc, bị hại căng thẳng đưa tay quẹt mồ hôi toát ra trên mặt, như chực khóc (khi tòa nghị án, bị hại ra sân ngồi, cầm điếu thuốc rít liền mấy hơi, phân bua “hễ cứ thấy công an là tui cứ hồn vía đi đâu mất). Vị thẩm phán phải cho bị hại tạm ngừng trả lời để lấy lại bình tĩnh.
“Chị này làm nghề “mờ ám” nên cũng ngại ngùng khi khai. Thằng đó (bị cáo) mới tí tuổi đầu đã “đại ca”, đánh cả phụ nữ hơn mình đống tuổi bắt “quan hệ”, rồi cướp luôn cái điện thoại cùi của người ta. Lại còn có vợ “trẻ con”, con cái nheo nhóc ở nhà. Gia đình đã nghèo, khổ, không lo phụ giúp cha mẹ làm ăn mà cứ bê tha rượu chè, sinh ra đầu trộm đuôi cướp...” Một người dự khán liên tục lắc đầu ngao ngán khi nghe trước đó R từng nhiều lần bị xử phạt hành chính vì hành vi trộm cắp, đánh nhau. Vợ R bất giác cúi gằm mặt. Cha mẹ R cũng cúi mặt. Rầu rĩ.
Tòa hỏi bị hại yêu cầu xử mức án nặng hay giảm nhẹ cho bị cáo? Bị hại lớ ngớ: “Dạ bây giờ thì cũng xin “vui vẻ” thôi (ý nói không khiếu nại gì nữa). Tòa phải giải thích mấy lần, bị hại mới nói, xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo. Tòa lại hỏi: “Gia đình bị cáo đã bồi thường 300 nghìn đồng, chị có yêu cầu gì nữa không?” Bị hại: “Nếu được, tôi xin thêm ít tiền”. Mẹ bị cáo lần tay vào bọc áo góp nhặt mãi được 200 nghìn đồng, nói đồng ý “gửi” thêm bị hại. Bị hại quay sang nhận tiền. Lần này, bị cáo cúi gằm mặt xuống vành móng ngựa, còn vợ bị cáo lầm lũi đứng dậy, ôm con ra khỏi phòng xét xử.
Tòa nghị án, bị cáo được đưa vào phòng cách ly. Vợ bị cáo vẫn ôm con đứng tha thẩn góc sân. Lát sau, một công an gọi vợ bị cáo đưa con vào cho bị cáo gặp. Vợ R lại cái cách ngồi ghé vào đầu chiếc ghế, mặt nghiêng ra phía cửa, không nhìn chồng. Đứa trẻ vẫn ngủ trong lòng mẹ. Im lặng bức bối. Bị cáo xin vợ cho bồng con. Vợ bị cáo lặng lẽ trao đứa bé. Vừa lúc R cúi xuống thơm đôi má bầu bĩnh của con thì tiếng chuông rít lên báo hiệu giờ tuyên án, khiến anh ta giật mình. Tòa phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù. R ngóng thật nhanh về phía vợ đang ôm con đứng cuối phòng, rồi đưa tay vào còng. Cha mẹ bị cáo thở dài thườn thượt, ngóng theo con lầm lũi theo công an ra “xe tù”, rồi quay lại “níu” lấy bị hại đang xớ rớ nơi hành lang, nhờ chị này làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ án cho R. Một cụ già đi xem tòa xử chép miệng: “Con cái rứa, để hắn đi tù là đúng rồi. Xin xỏ chi. Còn chị nớ (bị hại) khôn hồn đừng lảng vảng mấy góc đường, công viên mà tự rước họa vô thân”. Cả người thân bị cáo, cả bị hại cui cúi mặt.