Những vụ xét xử tốn nhiều thời gian nhất trong năm 2014
"Bầu" Kiên
Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã kết thúc, với nhiều tội danh như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái... Qua đó cho thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Ảnh: VTCNews |
HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng do chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất, do không thành khẩn khai báo, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo luật định.
Đánh giá về vụ án, HĐXX thông qua bản án sơ thẩm khẳng định, đây là một vụ án gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế nhằm “phục vụ cho lợi ích nhóm”. Hành vi của các bị cáo đã gây lũng đoạn thị trường tài chính trong nước. Do vậy, cần phải có bản án hết sức nghiêm minh để giáo dục, răn đe.
"Siêu lừa" Huyền Như
Vụ án “Siêu lừa Huyền Như” đã đưa ra xét xử gần tròn 1 năm nay, nhưng phía sau phiên tòa vẫn còn nhiều dấu hỏi như: Số tiền 4.000 tỷ ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai hưởng lợi sau vụ Huyền Như? Vì sao ngân hàng “sập bẫy”? Huyền Như có liên quan gì tới “bầu” Kiên?... và nhiều câu hỏi khác.
"Siêu lừa" Huyền Như Ảnh: Vnexpress |
Theo hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận: Từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tiền của nhiều cá nhân tổng cộng 200 tỷ đồng kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Quá trình kinh doanh thua lỗ, để có tiền trả nợ, Huyền Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân.
Chuẩn bị cho những dự án “siêu lừa”, Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của các đơn vị sự nghiệp, ký giả chữ ký của một số cán bộ lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM, mạo nhận là nhân viên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để tiếp cận các đơn vị, tổ chức cá nhân, thỏa thuận huy động vốn với mức lãi suất rất cao.
Quá trình thực hiện, bị cáo đã lừa đảo cả lãnh đạo Vietinbank, giấu mức lãi suất rất cao ngoài hợp đồng để nhân danh Vietinbank huy động vốn, sau đó chiếm đoạt trái pháp luật của các đơn vị, tổ chức và các cá nhân tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.
Hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải
Tuy xảy ra từ năm 2008, với cả hai bản án sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) đều tuyên tử hình Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản. Nhưng bất ngờ đến sát ngày thi hành án (4/12/2014), TAND Tỉnh Long An quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải – nghi phạm trong vụ án chấn động tại Bưu điện Cầu Voi. Thời gian hoãn thi hành án là 1 tháng. Đây cũng là thời gian mà mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu cung cấp thêm tư liệu có liên quan đến vụ án có thể mang đến. Vụ án sẽ được trả để điều tra lại, hoãn thi hành án tiếp, hay thi hành luôn sau thời hạn 1 tháng sẽ do TAND tối cao quyết định.
Hồ Duy Hải Ảnh: thanhnien |
TMV Cát Tường
Theo cáo trạng, ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) để phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực. Tại đây, chị Lê Thị Thanh Huyền được Nguyễn Mạnh Tường làm phẫu thuật. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì chị Huyền tử vong. Sau khi phát hiện khách hàng chết, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ), Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) ngồi tại tầng 2 của Thẩm mỹ viện Cát Tường bàn nhau thống nhất đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu Điện cơ sở 1 rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác.
Hai bị cáo Tường và Khánh tại tòa Ảnh: VTCNews |
Khoảng 23h30 phút cùng ngày, Tường đi xe ôtô đến Thẩm mỹ viện Cát Tường chở thi thể chị Huyền đi. Tuy nhiên, khi đến cổng Bệnh viện Bưu điện, thấy quá đông người qua lại nên Tường, Khánh và Hằng đã thay đổi đưa xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì và phi tang xuống sông.
Sau gần 1 năm, vụ án TMV Cát Tường mới được đưa ra xét xử do quá trình tìm kiếm xác nạn nhân gặp kéo dài và gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung cáo trạng.
Nguyễn Thanh Chấn và 10 năm án oan
10 năm trước, tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng, nghi phạm lúc đó là ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và bị quy kết là hung thủ khiến nạn nhân Nguyễn Thị Hoan thiệt mạng. TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Chấn tù chung thân về tội Giết người.
Sau 10 năm ngồi tù, cùng với việc kêu oan của vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào cuộc, xác định hung thủ thực sự sát hại chị Hoan là Lý Nguyễn Chung (khi gây án mới gần 15 tuổi). Sau đó, Chung đã ra đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội, ông Chấn được minh oan.
Ngày 29/9/2014, Lý Nguyễn Chung đã bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang với hai tội Giết người và Cướp tài sản. Tuy nhiên, phiên toà đã hoãn do đề nghị của đại diện bị hại, luật sư và cơ quan công tố.
Ông Chấn đã được TAND Tối cao mời lên làm việc để trao đổi về yêu cầu bồi thường sau 10 năm ngồi tù oan. Tuy nhiên, buổi làm việc chưa có kết quả. Ông Chấn đã gửi đơn đề nghị các khoản bồi thường lần 2, tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.