Những nét chính của Đại hội Đảng III năm 1960
(Nguồn: TTXVN) |
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III diễn ra giữa lúc công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế ở miền Bắc đang giành được những kết quả to lớn và Cách mạng ở miền Nam đã tiến lên một bước nhảy vọt.
Đại hội họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960.
Tham dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước, trong đó 50% số đại biểu là các đảng viên đã tham gia Cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật. Tất cả các đại biểu đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược...
Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội. Đồng chí Hồ Chí Minh đọc lời khai mạc Đại hội. Người nêu khái quát nhiệm vụ mới của Cách mạng Việt Nam và nói rõ: "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà".
Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đã thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thông qua điều lệ sửa đổi của Đảng. Bản điều lệ của Đảng gồm có phần cương lĩnh chung, 12 chương với 62 điều. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và hai ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng (Người giữ cương vị này cho đến khi qua đời, tháng 9-1969) và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các hội nghị Trung ương diễn ra theo thứ tự thời gian: 9-1960; 11-1960; 1-1961; 4-1961; 7-1961; 30-11 đến 2-12-1961; 6-1962, 5-1963; 12-1963; 2-1964; 15 đến 27-3-1965; 12-1965; 1-1967; 1-1968; 28 đến 31-8-1968; 5-1969; 2-9-1969 (ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương họp kỳ họp khẩn cấp); 1-1970; 1-1971; 4-1972; 7-1973; 12-1973; 12-1974; 9-1975 (Hội nghị đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội); 24-9 đến 24-10-1976.
Từ Đại hội lần thứ III (1960) đến Đại hội IV (1976) của Đảng, đất nước ta trải qua những thử thách cự kỳ to lớn, vừa đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn nhất và tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ , vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Với đường lối đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng, với sự hy sinh vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc đã làm nên những chiến công hiển hách, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc bằng Đại thắng Mùa Xuân 1975.
(Nguồn tài liệu: vietnamnet; TTXVN)