Những lý do khiến ông Vũ được chia tài sản nhiều hơn bà Thảo
Ông Vũ đã hoàn toàn kiểm soát Trung Nguyên theo quyết định của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn. |
Sau 3 năm thụ lý vụ ly hôn giữa vợ chồng ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, chiều 27/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM đã có phán quyết cuối cùng.
Trong hơn 2 tiếng đọc bản án, Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân đã đưa ra nhiều lập luận bác bỏ quan điểm của đại diện VKS trước đó khi cho rằng HĐXX có một số thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án.
Ông cũng hệ thống lại quá trình thụ lý vụ án, các buổi hòa giải, lập luận, tài liệu chứng cứ cùng yêu cầu của hai bên.
Thay mặt HĐXX, ông kết luận thuận tình cho hai vợ chồng ly hôn, đồng ý để bà Thảo nuôi 4 người con với mức trợ cấp 10 tỷ đồng/năm từ ông Vũ.
Về tài sản, theo HĐXX, ông Vũ và gia đình đã sáng lập ra cà phê Trung Nguyên (nay là tập đoàn trung Nguyên) vào năm 1996 bằng tiền bán 2 căn nhà của bố mẹ và số tiền ông Vũ vay mượn.
Sau 2 năm khẳng định thương hiệu và có một số thành công tại thị trường Việt Nam thì ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo vào năm 1998.
Năm 1999, cơ sở kinh doanh trở thành xí nghiệp cà phê Trung Nguyên với mô hình hợp tác xã. Tháng 12/2012, HTX chuyển thành công ty TNHH cà phê Trung Nguyên với hai thành viên góp vốn là Vũ và cha.
Sau đó, do tiếp tục đổi thành công ty cổ phần nên bắt buộc phải có 3 thành viên, do vậy có sự tham gia của bà Thảo với tỷ lệ góp vốn 10%.
HĐXX còn nhận định rằng, khi thành lập các doanh nghiệp bao giờ ông Vũ cũng đóng góp vốn nhiều hơn bà Thảo, và đây là căn cứ để xác định công sức của ai trong việc hình thành khối tài sản chung vợ chồng.
Cũng theo HĐXX, bà Thảo có tham gia, tuyên truyền cho thương hiệu King’s coffee – sản phẩm đang cạnh tranh trực tiếp với G7. Hãng cà phê này do anh trai bà Thảo đại diện. Như vậy, phía bị đơn cho rằng nguyên đơn vi phạm Luật Doanh nghiệp và có hành vi đối lập với quyền lợi trong tập đoàn Trung Nguyên là có căn cứ.
Về công sức của bà Thảo, HĐXX nhận định bà là phụ nữ thông minh, có năng lực cao trong hoạt động kinh doanh, vừa nuôi 4 con nhỏ vừa thành lập các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Tuy nhiên hiện nay việc tranh chấp liên quan đến tài sản chung của vợ chồng tại Singapore và 3 công ty khác tại nước ngoài thì ông Vũ đã rút đơn, không yêu cầu tòa án giải quyết nên các tranh chấp này sẽ được giải quyết thành các vụ việc khác và khi đó quyền lợi của bà Thảo sẽ được xem xét giải quyết thấu tình, đạt lý.
“Xét thấy trong thời gian ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Trung Nguyên từ khi thành lập tập đoàn đến nay công sức của ông nhiều hơn về tỷ lệ vốn góp, có nhiều công sức trong nâng cao thương hiệu cà phê Trung Nguyên, có nhiều công sức trong hình thành khối tài sản chung vợ chồng, do đó cần thiết phải chia cho ông nhiều hơn” – HĐXX kết luận.
Vì các lẽ trên HĐXX tuyên chia tài sản cho ông Vũ và bà Thảo theo tỷ lệ 60/40 để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.
Theo thống kê của tòa án, bà Thảo sở hữu toàn bộ tiền tại 3 ngân hàng là 1.764 tỷ đồng trong khi ông Vũ sở hữu cổ phần tại các công ty trị giá 5.737 tỷ đồng. Tổng cộng khối tài sản chung vợ chồng (trừ bất động sản) là 7.502 tỷ đồng.
Nếu chia 60% tài sản thì ông Vũ được sở hữu 4.501 tỷ đồng, trong khi bà Thảo sở hữu 40% - tương đương 3.001 tỷ đồng.
Tổng khối tài sản chung vợ chồng (bao gồm các bất động sản trị giá 726 tỷ đồng, cả hai nhất trí chia đôi) là 8.229 tỷ đồng. Như vậy, ông Vũ sở hữu 4.864 tỷ đồng, bà Thảo sở hữu 3.364 tỷ đồng. Đối trừ, ông Vũ phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo số tiền 1.223 tỷ đồng.