Những cái chết oan uổng từ phòng khám tư nhân
Những cái chết oan uổng từ phòng khám tư nhân
Những cái chết bất ngờ
Khoảng 21h50 ngày 14/7, Công an phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội nhận được tin báo tại phòng khám Maria (số 65- 66 phố Thái Thịnh, Hà Nội) có người đến khám bệnh đã tử vong, gia đình nạn nhân bức xúc và gây mất trật tự khu phố.
Việc mở phòng kinh doanh các dịch vụ y tế được ưu đãi nhiều về thuế nên các công ty tư nhân đang 'tích cực' mở để kiếm lời. |
Nhận được tin báo, cơ quan công an đã có mặt, tổ chức khám nghiệm hiện trường, vào cuộc điều tra, bước đầu xác định: Phòng khám Maria là phòng khám đa khoa tư nhân, hoạt động từ 12/2010, theo Giấy phép do Sở Y tế Hà Nội cấp. Ngoài các bác sĩ, y tá người Việt Nam, phòng khám Maria có hợp đồng lao động với một số bác sĩ, y tá người Trung Quốc để thực hiện khám bệnh.
Vào khoảng 17h ngày 14/7, chị Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1977, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội, là cán bộ ngân hàng đến khám tại phòng khám Maria để khám bệnh tổng thể.
Tại đây, bác sĩ Zhou Ji Anjao đã khám và xác định chị Phong bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và cần điều trị đốt. Bác sĩ Zhou Ji Anjao đã ghi hồ sơ khám bệnh, kê đơn thuốc cần sử dụng và chuyển chị Phong lên tầng 6 vào khoảng 19h25 cùng ngày.
Tại đây, y tá Bùi Thị Thắm (SN 1989) trực tiếp truyền đường 0,5% (theo chỉ định của bác sĩ Deng Qin Zhi), bác sĩ Zhang Ling Gong đã thực hiện gây mê. Bác sĩ Deng Qin Zhi tiến hành đốt lộ tuyến tử cung cho chị Phong, sau đó chị Phong được nằm nghỉ tại đây và có hiện tượng ngạt mũi.
Lúc đó, bác sĩ Zhang Ling Gong cho chị Phong thở oxy và chỉ định Thắm tiêm 2 ống Dexame thasame. Khoảng 30 phút sau chị Phong tỉnh táo, y tá Thắm đã tháo máy thở oxy và đưa chị Phong xuống tầng 5 tiếp tục truyền kháng sinh.
Tại tầng 5 có 3 y tá gồm: Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Phương Thảo, Hồ Thị Lương có trách nhiệm trông coi chị Phong. Đến khoảng 20h47 cùng ngày, chị Phong có gọi điện cho chị Nguyễn Thị Đức, là em chồng chị Phong bảo ra đón chị vì chị thấy chóng mặt.
Khi gia đình chị Phong đến phòng khám đã phải ngồi chờ không được gặp chị Phong. Khoảng gần 60 phút sau có xe cấp cứu 115 đến và sau đó gia đình chị Phong nhận được thông báo chị Phong đã tử vong. Cái chết bất ngờ của chị Phong đã khiến gia đình chị bức xúc.
Trước đây, một vụ “làm đẹp” gây chết người cũng khiến dư luận hết sức quan tâm. Vào chiều 29/4/2011, chị Bùi Bích Ly (39 tuổi, ở Lê Duẩn, Hà Nội) đến Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở 257 đường Giải Phóng để thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt. Đến 6h sáng hôm sau, người nhà chị L. nhận được tin báo, chị L. đã tử vong.
Tại cơ quan công an, bác sĩ Phạm Văn Ái (SN 1958, Giám đốc Trung tâm) cùng nhóm nhân viên Trung tâm phẫu thuật cho chị Ly thừa nhận việc đã tiến hành nâng ngực và cắt mí mắt cho chị.
Ca phẫu thuật kết thúc sau một giờ, chị Ly được đưa vào phòng điều trị để theo dõi. Đến 2h sáng 30/4/2011, chị Ly thấy khó chịu, buồn nôn nên đã gọi ông Ái đến khám. Thấy bệnh nhân có biểu hiện không bình thường, ông Ái đã gọi thêm một bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn và một bác sĩ Bệnh viện 198 đến hỗ trợ cấp cứu, nhưng sau đó hơn 1 tiếng đồng hồ, nạn nhân đã tử vong.
Lỏng lẻo từ nhà quản lý?
Một cán bộ Công an quận Đống Đa cho hay, cả 2 vụ tử vong ở phòng khám tư nhân xảy ra gần đây đều ở địa bàn quận Đống Đa. Lần này, vụ việc gây dư luận bức xúc hơn bởi ngày 27/6, phòng khám Maria đã bị Thanh tra Sở y tế Hà Nội phạt 11,5 triệu đồng vì thu phí một số dịch vụ kỹ thuật chưa được niêm yết giá theo quy định. Ngoài ra, phòng khám này còn quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Không chỉ ở Hà Nội, gần đây, ở một số thành phố lớn rộ lên việc vi phạm ở các phòng khám tư nhân, đặc biệt các phòng khám có người Trung Quốc làm bác sĩ. Việc những người Trung Quốc có thực là bác sĩ hay không thì chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới đủ khả năng thẩm định. Với thông tin ban đầu, cơ quan điều tra đang đợi thông tin từ Sở Y tế Hà Nội kết luận 4 bác sĩ làm tại phòng khám Maria có đúng luật hay không, họ có trình độ bác sĩ thế nào?
Phòng khám Maria thuộc công ty cổ phần An Thịnh được thành lập vào ngày 30/10/2010 do ông Nguyễn Doãn Hà (SN 1979) ở Ô Chợ Dừa làm giám đốc công ty. Phòng khám này giao cho bà Nguyễn Thanh Vân (SN 1969) làm phó giám đốc trực tiếp quản lý. Phòng khám lại do bà Đỗ Thị Na (Đỗ Y Na) đứng tên và chịu trách nhiệm chuyên môn. Thế nhưng, khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra liên lạc thì bà Na đang “đi vắng”.
“Hiện nay, có quá nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Có nhiều phòng khám, quầy thuốc thuê người khác đứng tên đăng ký. Việc kiểm soát họ còn nhiều sơ hở” – một cán bộ tham gia điều tra vụ chị Phong tử vong tại phòng khám Maria cho hay.
Theo cán bộ điều tra này, cách đây 1 tháng, Đội điều tra tội phạm về ma túy công an Đống Đa đã bắt một nhóm sử dụng ma túy trái phép. Những người nay khai mua đồ ở một hiệu thuốc trên đường Phương Mai. Từ lời khai này, cơ quan công an kiểm tra hiệu thuốc và phát hiện có 200 bộ “đồ nghề” chuyên để sự dụng ma túy. Tiến hành xác minh, cơ quan điều tra xác định hiệu thuốc này được hai vợ chồng thuê người đứng tên trên giấy phép rồi kinh doanh.
Việc “vạch mặt” các hiệu thuốc thuê giấy phép để kinh doanh chỉ có cơ quan cấp phép cho hiệu thuốc đó hoạt động mới làm được. Mới đây, một học sinh lớp 10 ở Lào Cai đã uống 1o viên thuốc ngủ và 20 viên thuốc cảm tự tử. Rất may em đã được cứu sống. Với việc mua thuốc dễ như mua rau như ở Việt Nam, việc các hiệu thuốc được cấp phép, bán như bán hàng tiêu dùng bình thường là rất nguy hiểm.
MAI PHƯƠNG