Nhìn lại đại án Oceanbank qua lời kể của Thẩm phán Trương Việt Toàn
Nhắc lại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội nói: “HĐXX đại án Oceanbank TAND TP Hà Nội đã tuyên một bản án gồm 01 án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên TGĐ Oceanbank. Một án chung thân đối với Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và nhiều án treo cho các giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Phòng giao dịch của Ngân hàng Đại Dương”.
Thẩm phán Trương Việt Toàn kể về vụ án Oceanbank. |
Nói tới vụ án, Thẩm phán Trương Việt Toàn không thể không nhớ tới những con số kỷ lục hiếm gặp so với các đại án kinh tế được cơ quan tố tụng trong cả nước đưa ra xét xử thời gian gần đây. Đó là con số về những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự, người làm chứng… được triệu tập tới tòa lên tới 727 đương sự.
Vụ án có 51 bị cáo, trong đó cơ quan tố tụng xác định Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.
Bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm. |
Với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
“Theo yêu cầu nhiệm vụ được phân công, HĐXX tập trung tiến độ nghiên cứu hồ sơ trong 1 tháng, thời gian đọc hồ sơ rất áp lực, đến độ HĐXX gần như không có ngày nghỉ”, Thẩm phán Trương Việt Toàn chia sẻ.
Là người “cầm cân nảy mực”, trực tiếp xét xử nhiều vụ án lớn, theo quan điểm của Thẩm phán Trương Việt Toàn thì vụ án Hà Văn Thắm có phần đặc biệt hơn các vụ án khác là các bị cáo đã “ngấm ngầm” thực hiện hành vi làm trái quy định Nhà nước, cụ thể là chi lãi ngoài trong một thời gian tương đối dài.
Tuy vậy, HĐXX luôn xét xử độc lập, tuân theo pháp luật, không bị áp đặt bởi cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào, nên không có bất kỳ vùng cấm nào hay vấn đề nào nhạy cảm mà HĐXX không xem xét đến.
Điều khiến Thẩm phán Toàn trăn trở, đau đáu hơn cả có lẽ là nước mắt của những nữ bị cáo trong vụ án. Đây cũng là vụ án “ướt át” hơn rất nhiều so với những vụ án khác, bởi có những bị cáo ngay từ ngày mở phiên tòa cho tới khi tòa tuyên án, các bị cáo đều khóc nức nở, trả lời thẩm vấn trong hai hàng nước mắt.
Chia sẻ về vấn đề này, Thẩm phán Toàn nói do đặc thù của ngành ngân hàng đa phần là nhân viên nữ, trong vụ án này số bị cáo nữ cũng chiếm nhiều hơn cả. Về bản chất, người phụ nữ ngoài công tác xã hội thì còn giữ thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Khi vướng vòng lao lý, họ thường hoang mang, lo lắng và khó biết cách kiềm chế bản thân hơn nam giới vì vậy mà các bị cáo khi phải đứng trước vành móng ngựa cũng dễ xúc động hơn.
Chính những trăn trở này đã được HĐXX thể hiện trong bản án, sau khi phân hóa tội phạm một cách khách quan, rõ ràng, một bản án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật được tuyên với hơn 30 án treo cho các Giám đốc chi nhánh, Giám đốc Phòng giao dịch của Oceanbank.
Theo chia sẻ của vị thẩm phán này, trong suốt thời gian nghiên cứu án và hơn một tháng đưa vụ án ra xét xử, những tình tiết của vụ án vẫn cứ len lỏi cả vào trong giấc ngủ, chỉ đến khi tuyên án xong, ông mới yên tâm vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành.