Nhân viên cũ “tố” Audi TP.HCM đuổi việc trái luật, làm giả hợp đồng
Nghỉ phép chữa bệnh thì bị… đuổi việc
Mới đây, Báo điện tử Infonet nhận được đơn của chị Nguyễn Hoài Thương (27 tuổi, ngụ Quận Tân Bình, TP.HCM) phản ánh về việc chị bị Công ty Liên Á Quốc tế (nhà phân phối độc quyền thương hiệu ô tô Audi tại Việt Nam - chi nhánh TP.HCM, sau đây gọi tắt là Audi TP.HCM) đuổi việc trái pháp luật. Điều này đã khiến chị gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian tìm công việc mới.
Theo trình bày của chị Thương, ngày 10/1/2012 chị bắt đầu làm việc chính thức tại Audi TP.HCM theo hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm ký với công ty. Trong phụ lục hợp đồng này có điều khoản chị Thương sẽ được gia hạn thêm 1 năm nữa, tức đến tháng 1/2014.
Vị trí chị Thương đảm nhận là nhân viên hành chính, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hết thời gian gia hạn hợp đồng, từ tháng 1/2014 chị Thương được tăng lương lên 7,5 triệu đồng/tháng và vẫn làm việc tại Audi TP.HCM bình thường mà công ty không ký hợp đồng mới.
Nữ nhân viên từng làm việc cho Audi TP.HCM cho rằng cô bị công ty đuổi việc trái luật và khi tòa án đang thụ lý vụ kiện thì công ty lại cung cấp chứng cứ có dấu hiệu giả mạo. |
Đến tháng 9/2014, trong quá trình làm việc chị Thương nhận thấy sức khỏe không tốt nên xin nghỉ phép một tuần để khám bệnh. Bác sĩ cũng có xác nhận về tình trạng bệnh của chị Thương và yêu cầu nên nghỉ một thời gian để điều trị.
Thế nhưng, khi chị Thương đề đạt nguyện vọng xin nghỉ phép thì lại không được người quản lý trực tiếp chấp nhận. Nhận thấy sức khỏe suy giảm không thể tiếp tục công việc chị Thương đã có thông báo về việc nghỉ phép trong một tuần để chữa bệnh.
“Đến khi tôi quay lại làm việc thì bất ngờ được thông báo là nghỉ phép khi chưa được sự đồng ý của cấp trên, nên họ công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi”, chị Thương nói.
Cuối tháng 9/2014, Audi TP.HCM chính thức ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Thương và điều này khiến chị vô cùng bất ngờ. Bức xúc trước cách hành xử thiếu tình người của công ty này, chị Thương đã khởi kiện vụ tranh chấp việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đến TAND Quận 1, TP.HCM.
Audi TP.HCM ngụy tạo chứng cứ, giả mạo chữ ký?
Tiếp xúc với PV Infonet, chị Thương bức xúc cho rằng chị gặp nhiều khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn khi bị đuổi việc một cách bất ngờ, bởi thời điểm cuối năm rất khó tìm việc mới. Công ty cũng không thông báo trước thời gian theo quy định của pháp luật để chị chuẩn bị.
Đáng nói là trong khi TAND Quận 1 đang thụ lý giải quyết vụ kiện thì phía Audi TP.HCM cung cấp hợp đồng lao động giữa công ty này với chị Thương thể hiện thời hạn 2 năm (từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2015) có chữ ký của hai bên. Chị Thương khẳng định rằng không hề ký bất cứ hợp đồng nào khác ngoài hợp đồng làm việc chính thức với công ty từ tháng 1/2012.
Theo lời chị Thương, hợp đồng do phía Audi TP.HCM cung cấp cho TAND Quận 1 có nhiều điểm đáng ngờ như: Mức lương vẫn còn 7 triệu đồng/tháng, thời gian trả lương ngày 5 hoặc 25 hàng tháng trong khi hợp đồng cũ là ngày 30 hoặc 31 hàng tháng; địa điểm làm việc tại trụ sở số 6B đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 thay vì nơi chị Thương làm việc lâu nay ở số 153 đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4…
Nhận thấy có dấu hiệu bị đơn ngụy tạo chứng cứ và giả mạo chữ ký của mình, chị Thương làm đơn yêu cầu giám định chữ ký trong hợp đồng do công ty này cung cấp cho tòa. Và không hiểu vì lý do gì sau đó Audi TP.HCM đã rút lại chứng cứ đã cung cấp.
Chị Thương cho rằng Audi TP.HCM chỉ vì muốn kéo dài vụ việc nên đã cung cấp chứng cứ nghi bị làm giả, hiện việc yêu cầu giám định chữ ký của chị cũng bị “treo”. Trong khi đó TAND Quận 1 không có biện pháp gì để làm rõ đến cùng sự thật – giả của chứng cứ này.
Để rộng đường dư luận, PV Infonet đã liên hệ với ông Trần Tấn Trung – Tổng giám đốc Audi TP.HCM. Ông Trung cho hay vụ việc đang được tòa án thụ lý nên phía công ty không trả lời gì được. “Bên nào cũng có cái đúng, cái sai. Sau khi có bản án của tòa án thì công ty trả lời thì sẽ hay hơn”, ông Trung nói.
Luật sư Nguyễn Văn Điệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, trong trường hợp này, lý do nghỉ không xin phép không phải là căn cứ để đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo Điều 38 BLLĐ năm 2012. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 BLLĐ 2012, hợp đồng lao động xác định thời hạn đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn) hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Nếu không ký hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Như vậy, Audi TP.HCM đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không báo trước là đã vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 BLLĐ.
Nếu đơn phương trái luật thì phía Audi TP.HCM bị chế tài theo Điều 42 BLLĐ 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước….
Còn về việc có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ, theo thông tin, phía Audi TP.HCM đã rút bản chính của Hợp đồng bị nghi ngờ làm giả nên không thể xác định được. Tuy nhiên, hành động này của Audi TP.HCM là không minh bạch, tin cậy.
Vì nếu hai bên có giao kết hợp đồng như bị đơn đưa ra thì cần giám định chữ ký để làm sáng tỏ sự thật của vụ việc, trong khi nguyên đơn đã đồng ý cung cấp mẫu chữ ký và yêu cầu giám định.