Nhận án 18 năm, Luyện được áp giải bất ngờ ra khỏi tòa
Nhận án 18 năm, Luyện được áp giải bất ngờ ra khỏi tòa
>> Clip quang cảnh tòa và lời khai của Lê Văn Luyện
>> Phiên xử Lê Văn Luyện kết thúc ngày làm việc đầu tiên
>>Tóm tắt cáo trạng vụ thảm sát tiệm vàng của Lê Văn Luyện
17h52: Luyện được dẫn giải ra ngoài. Trong khi người nhà nạn nhân cũng như phần đông người xem tập trung quanh 2 chiếc xe chở tội phạm đang đỗ trước cửa tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang thì bất ngờ, Luyện lại được chở ra ngoài trên một chiếc xe thùng nhỏ chờ sẵn ở sân sau. Chỉ đến khi chiếc xe lao vụt đi, mọi người mới ngỡ ngàng. Phương án bất ngờ của các chiến sỹ cảnh sát đã giúp bị cáo rời tòa... an toàn trước sức ép rất lớn của phía gia đình bị hại.
17h45: Tòa tuyên tổng hợp hình phạt đối với Lê Văn Luyện là 18 năm tù (tội giết người 18 năm tù, cướp tài sản 18 năm tù và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 6 tháng tù). Bố Luyện là Lê Văn Miên nhận 48 tháng tù.
Ngoài ra Luyện phải bồi thường nạn nhân 316 triệu đồng bao gồm tiền cấp cứu, tiền mai táng, tiền tổn thất tinh thần, xe đưa đi cấp cứu, tiền bồi dưỡng người chăm sóc cháu Bích và mỗi tháng chu cấp 1,5 triệu nạn nhân Bích cho đến khi đủ 18 tuổi.
Ngay khi nghe tòa tuyên mức án 18 năm tù dành cho Lê Văn Luyện, từ phía thân nhân gia đình bị hại vang lên nhiều tiếng kêu gào, phản đối. Một số người không giữ được bình tĩnh đã đứng lên, chỉ tay vào mặt Luyện hét lên: "Phải xử tử Luyện".
Ông Trịnh Văn Tín, bố nạn nhân Ngọc cho biết đại diện gia đình ông sẽ kháng cáo bản án này.
Các bị cáo Trương Thanh Hồng 30 tháng tù, Lê Văn Nghi 15 tháng tù, Lê Thị Định 15 tháng về tội che giấu tội phạm. Bị cáo Trương Văn Hợp lĩnh 12 tháng, Dương Thị Lược lĩnh 9 tháng về tội không tố giác tội phạm.
Bản án dành cho các 1. Lê Văn Luyện: 18 năm tù. 2. Lê Văn Miên: 48 tháng tù. 3. Trương Thanh Hồng: 30 tháng tù. 4. Lê Thị Định: 15 tháng tù. 5. Lê Thành Nghi: 15 tháng tù. 6. Trương Văn Hợp: 12 tháng tù. 7. Dương Thị Lược: 9 tháng tù. |
Về phần tiền gia đình bị hại yêu cầu bồi thường (1,6 tỷ đồng), hiện chưa có thống kê cụ thể các chi phí liên quan, tòa đề nghị bên bị hại có thể khởi kiện một vụ kiện dân sự. Do Luyện chưa đủ 18 tuổi nên bố mẹ của bị cáo có trách nhiệm bồi thường theo yêu cầu của pháp luật.
17h37: Lê Văn Luyện không giấu nổi căng thẳng khi nghe chủ tọa Thân Quốc Hùng đọc bản luận tội và tuyên án. Mồ hôi rịn thành giọt quanh thái dương bị cáo này. Trái với biểu hiện có phần lạnh lùng khi mới bước vào phòng xử, lúc này, Luyện liên tục xoa hai bàn tay vào nhau, cúi gằm mặt.
17h27: Chủ tọa vẫn chưa đọc hết bản luận tội các bị cáo. Người nhà gia đình bị hại đang bị xúc động mạnh, có nhiều lời lẽ thóa mạ Luyện và các bị cáo khác. Lực lượng an ninh đang cố gắng vãn hồi trật tự.
16h57: Trước một "rừng" máy quay phim, chụp ảnh chớp sáng liên hồi, Luyện cúi gằm mặt, hai tay buông thõng. Đôi lúc, y nhìn sang hai phía, gãi đầu gãi tai, bẻ ngón tay rắc rắc.
16h48: Chủ tọa vẫn đang tuyên án. Bản luận tội, hành vi dã man của bị cáo khá dài nên suốt 45 phút nghe tuyên, Luyện đứng cúi gằm mặt, liên tục cắn răng, gồng mình trước hàng trăm ống kính máy ảnh, máy quay.
16h25: Tòa bắt đầu tuyên án. Luyện được dẫn ra phòng xét xử chuẩn bị nghe tuyên án. Giới báo chí đứng ngồi la liệt ngoài hành lang và 2 bên phòng xử án, tất cả đều bồn chồn ngóng chờ.
16h20: Luyện được dẫn ra phòng xét xử chuẩn bị nghe tuyên án. Giới báo chí đứng ngồi la liệt ngoài hành lang và 2 bên phòng xử án, tất cả đều bồn chồn ngóng chờ.
16h02: Rất đông người dân đang tập trung bên ngoài phòng xử, chờ nghe tuyên án. Lúc này, không khí trong phòng xử đang rất căng thẳng. HĐXX vẫn chưa thể tuyên án như dự kiến.
15h55: Phiên tòa vẫn chưa thể tuyên án như dự kiến do sự phản ứng dữ dội từ phía thân nhân gia đình bị hại. Không khí phòng xử đang rất căng thẳng.
15h50: Trong phòng xử án, tiếng chỉ trích Luyện vẫn không ngớt. Người thân của Lê Văn Luyện tham dự phiên tòa tỏ ra căng thẳng. Tất cả đều rất sốt ruột vì đã quá 20 phút so với dự kiến, hội đồng xét xử vẫn chưa bước ra.
Công an Bắc Giang chiều nay đã tăng cường thêm khoảng hơn 100 chiến sỹ để kiểm soát chặt an ninh tại phiên tòa, kiểm tra rất nhiều vòng trước khi cho phép người tham dự đi vào phòng xử án. Rất nhiều người không biết làm cách nào đã có mặt trong phòng xử từ sớm cũng bị mời ra kiểm tra lại, nhiều phóng viên không quen mặt cũng bị chặn lại hỏi.
Giới báo chí đứng ngồi la liệt ngoài hành lang và 2 bên phòng xử án, tất cả đều bồn chồn ngóng chờ.
15h20 chiều nay, Luyện đã được đưa lại vào phòng xử án để nghe nghị án. Tuy nhiên, chỉ 5 phút sau, cảnh sát đã phải đưa bị cáo và những người liên quan vào phòng cách li đặc biệt vì gia đình bị hại đang rất phẫn nộ.
Cảnh trong phòng xét xử đang khá hỗn độn, người nhà bị hại liên tục chửi bới, gào thét. Trước sức ép này, Luyện im lặng, đan chặt 2 bàn tay vào nhau, liên tục nghiến răng. Có vài lần bị cáo đã quay lại nhìn bố mình ngồi phía sau.
Bị cáo Lê Văn Miên, bố Luyện và Trương Thanh Hồng, anh Luyện nhìn xung quanh với vẻ mặt khá bình tĩnh. Luyện đứng trong "vòng vây" bảo vệ của 4 chiến sĩ cảnh sát. Hàng chục máy quay, máy ghi hình chĩa vào gương mặt nhợt nhạt, đang cúi gằm xuống đất của Lê Văn Luyện.
Luyện trong vòng cách ly của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp Ảnh: Giaoduc.net.vn |
13h10: Lê Văn Luyện nở nụ cười khi được dẫn giải ra khỏi phòng đặc biệt để ra xe về nơi tạm giữ.
13h00: Tòa kết thúc tranh luận và bước vào nghị án. Luyện đứng lên nói lời sau cùng: "Bị cáo xin lỗi gia định bị hại và xin lỗi gia đình mình. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho những người vì bị cáo mà liên lụy, đối với bị cáo, bị cáo xin nhận mức án cao nhất".
Hội đồng xét xử vào phòng nghị án và tuyên bố sẽ tuyên án sau 15h chiều nay.
12h37: Đại diện gia đình phát biểu trước tòa với giọng rất bức xúc và nghẹn ngào. Ông cho rằng một mình Luyện không thể dùng tới 3 hung khí để giết các con và cháu mình. Ông cũng đề nghị dừng phiên tòa để điều tra thêm.
VKS khẳng định mức án của Luyện dưới 18 năm tù. Luật sư phía bị hại cho rằng VKS chưa đưa điểm tăng nặng đối với hành vi của Luyện là cố tình thực hiện tội phạm tới cùng vì đã 3 lần quay lại giết người. Sau đó lại trốn đi nước ngoài.
12h20: VKS khẳng định, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã thực hiện khách quan, thận trọng, không có lý do gì để đề nghị trả hồ sơ. Vị đại diện VKS vừa dứt lời, gia đình bị hại phản đối ầm ầm trong phòng xử. Các luật sư đã lập tức đối đáp lại ý kiến của VKS.
12h18: LS Ngọc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Luyện tranh luận về áp dụng thêm việc có truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. LS Ngọc đồng tình với quyết định truy tố Luyện tội danh này nhưng đề nghị giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện VKS khẳng định, vụ án được điều tra theo đúng trình tự, quy định pháp luật; việc thực nghiệm hiện trường không phải là thủ tục bắt buộc. Do đó, VKS bác đề nghị của phía luật sư bị hại.
12h09: Đại diện VKS đối đáp lại ý kiến của các luật sư và vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.
Luật sư Thanh đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để tiến hành điều tra làm rõ hơn các nghi vấn của vụ án. Gần như tức thì, từ khu vực người nhà bị hại vang lên đồng loạt nhiều tiếng vỗ tay.
11h58:Phía luật sư bị hại tiếp tục phân tích sâu hơn khả năng Luyện có đồng phạm bởi trong bối cảnh như đã nói, Luyện không thể bình tĩnh thực hiện từng đó hành vi. Mặt khác, việc gia đình bị hại không được thông tin việc thực nghiệm hiện trường là một thiếu sót lớn. Nếu Luyện trực tiếp tham gia thực nghiệm sẽ tốt hơn rất nhiều cho quá trình điều tra và dư luận xã hội.
"Tôi nghi ngờ việc người vợ tại sao lại không tri hô lên mà chỉ nói nhỏ với con. Trong đêm tối tĩnh mịch như vậy, việc hàng xóm không nghe thấy âm thanh gì là không logic".
11h55: Luật sư Thanh nói: "Cháu Bích đã gọi cho 113, sau đó được hướng dẫn gọi cho công an huyện. Cháu chưa làm được thì nhận được điện thoại của người thân... vậy nhưng, lời khai của cháu Bích không được xem xét vì cho rằng đó là cháu bé, thông tin không xác thực". Luật sư đặt dấu hỏi nếu Luyện là trẻ em, cháu Bích cũng là trẻ em thì lời khai của đứa trẻ nào đáng tin hơn?
Luyện ngồi nghe luật sư phân tích những tình tiết trong vụ án với vẻ mặt bình tĩnh. Lúc cúi mặt, gập người 2 tay đan nhau tì vào đầu gối, lúc lại ngẩng lên nhìn sang phía luật sư.
"Luyện giết người xong, bước qua xác 2 người rồi nhặt dao, vào nhà vệ sinh rửa, gột máu ở áo rồi lại bình tĩnh xuống vơ vét vàng vào túi. Luyện đã có chuẩn bị tâm lý, tinh thần để có đủ tinh thần hành động như vậy. Tâm lý của Luyện sau khi thực hiện hành vi lại không có tí gì hoang mang, lo sợ nên cũng cần đặt dấu hỏi tại sao sau khi phạm tội man rợ như vậy mà Luyện lại béo tốt ra?", Luật sư nói tiếp.
11h50: Luật sư vẫn đặt dấu hỏi về đồng phạm của Luyện trong vụ án. Hành vi Luyện khai là vào ở tầng 1, dùng đèn pin soi thấy vàng nhưng sau đó mới tắt cầu dao điện, rồi lại tắt camerra. Hành động đã tắt chuông báo động rồi sau đó lại bật lên, thấy kêu lại tắt đi mà lại là chỉ do một mình Luyện làm là khó tin. Điều này chứng minh nếu có 2 người thì hợp lý hơn. "Luyện làm sao biết ngắt cầu dao camera rồi lại ngắt hệ thống báo động. Luyện có khả năng làm tất cả những việc đó một mình không?".
11h40: Sau luật sư Huỳnh, luật sư Trần Chí Thanh tiếp tục có quan điểm bảo vệ gia đình bị hại. Ông Thanh cho rằng, hành vi của Luyện khiến ai cũng giật mình, hoảng sợ. Kẻ gây án dã man, cách hành động không còn tính người.
LS Thanh cho rằng cáo trạng của VKS truy tố đối với các bị cáo đúng nhưng chưa đủ. Sau khi vụ án xảy ra, luật sư 3 lần đề nghị VKS cho phép nghiên cứu hồ sơ nhưng không được đồng ý vì lý do "bận". LS cũng đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của bị cáo Hồng.
11h35: Về mặt dân sự, LS Huỳnh đề nghị buộc bị cáo Luyện và gia đình bị cáo Luyện phải bồi thường theo đề nghị của gia đình bị hại. Hành vi phạm tội của Luyện dã man, giết đến cùng, giết bằng hết, Giết rất man dợ, dã man tàn ác... gây bất bình trong dư luận. Tuy Luyện phạm tội ở tuổi vị thành niên nhưng vẫn mong HĐXX tuyên phạt Luyện hình phạt cao nhất.
Lê Văn Luyện tại tòa |
11h11: LS Huỳnh, luật sư phía bị hại tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại. LS cho rằng, bản thân tham gia từ quá trình điều tra đã có nhiều vấn đề cần đề nghị. Trước hết, khi cơ quan điều tra tham gia khám nghiệm hiện trường, gia đình nạn nhân cũng như luật sư không được tham gia.
Luật sư Huỳnh cho rằng, VKS chưa đưa điểm tăng nặng đối với hành vi của Luyện là cố tình thực hiện tội phạm tới cùng vì đã 3 lần quay lại giết người. Sau đó lại trốn đi nước ngoài. Hành vi của bị cáo Luyện là đặc biệt nghiêm trọng.
LS cho hay, bản cáo trạng của VKS có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. VKS kết luận bị cáo Hồng tới trường đón Luyện về nhà, đưa đi khâu vết thương, đưa đi trốn…Sau đó, còn Hồng cầm 2 dây chuyền là tài sản do người khác phạm tội mà có vì vậy Hồng còn có hành vi tiếp tay cho kẻ phạm tội.
Đối với bị cáo Miên, bố Luyện, là bố đẻ ngoài hành vi che giấu tội phạm còn có hành vi cất giấu vàng, chính là chứa chấp, tiếp tay cho con phạm tội.
10h50: Luật sư Nguyễn Anh Sơn bào chữa cho 3 bị cáo Hồng, Lược, Hợp về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
Luật sư này bày tỏ do thói quen, tiềm thức sống ở vùng quê cộng với việc thiếu hiểu biết nên các bị cáo đáng được giảm nhẹ hình phạt. Riêng đối với Hồng, là người đưa Luyện đi khâu vết thương vì có bệnh tim nên mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.
10h44: Hai luật sư của Luyện kết thúc phần bào chữa cho bị cáo. Luyện vừa bước lên vành móng ngựa đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt của gia đình bị hại với những tiếng hô "Tử hình Lê Văn Luyện". Người nhà bị hại hô hoán ầm ĩ khiến chủ tọa phải nhắc liên tục, đề nghị cảnh sát can thiệp.
10h34: Luật sư Nguyễn Bá Ngọc bào chữa cho Luyện cùng với luật sư Phạm Xuân Anh nói: "trước khi bào chữa, tôi xin bày tỏ sự chia sẻ của mình tới gia đình người nhà bị hại. Tôi hy vọng đau thương sẽ qua đi". Luật sư Ngọc nói: "Bản luận tội của đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang là hoàn toàn xác đáng. Đây là hành vi cần phải trừng trị một cách nghiêm khắc. Theo luật định, hình phạt không quá 18 năm tù và đây không phải là trường hợp cá biệt".
LS Ngọc tiếp tục đưa ra những thông tin về việc áp dụng luật hình sự đối với các đối tượng chưa đủ 18 tuổi. Có trường hợp chỉ thiếu có 1 ngày cũng không thể xử tử được. "Luyện phạm tội khi chưa phát triển đầy đủ về mặt tâm sinh lý. Pháp luật chúng ta không phải là giết người đền mạng mà chính là phải cảm hóa tội phạm. Luật pháp nước ta cũng phù hợp với công ước quốc tế khi không tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội".
10h24:Luật sư Phạm Xuân Anh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Lê Văn Luyện nói: "Tôi đồng tình với đề nghị của đại diện VKS. Tôi phân tích lý do: bị cáo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân làm ăn lương thiện nhưng được nuông chiều, cái này do sự buông lỏng của gia đình. Đây là hậu quả tất yếu do các trò chơi trên mạng. Lê Văn Luyện là sự minh chứng cho điều này".
Đại diện Viện kiểm sát nhắc lại: Hành vi phạm tội của bị cáo Luyện được xác định là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn. Luyện được đại diện VKS đề nghị cho hưởng một tình tiết giảm nhẹ tội là thành khẩn khai báo. Bị cáo Nghi sang Trung Quốc đưa Luyện về, được hưởng tình tiết giảm nhẹ lập công chuộc tội.
Do thời điểm gây án, Luyện đang ở độ tuổi vị thành niên, đại diện VKS đề nghị HĐXX mức hình phạt 18 năm tù giết người, 18 năm cướp, 6 - 8 năm lạm dụng, tổng hợp hình phạt chung là 18 năm đối với Luyện, bồi thường 325 triệu đồng và trợ cấp nuôi cháu Bích với mức 1 triệu đồng/tháng. Các bị cáo khác như Miên, Hồng, Định, Nghi, Hợp, Lược lần lượt bị đề nghị phạt tù: 42 - 48 tháng, 24- 30 tháng tù, 18 - 24 tháng tù, 15 - 18 tháng treo, thử thách 36 tháng, 15 - 18 tháng tù và 9 - 12 tháng tù treo.
10h23: LS Đặng Xuân Anh, người bảo vệ cho Luyện bắt đầu phát biểu quan điểm.
10h15: Đại diện VKS khẳng định, Luyện phạm tội giết nhiều người, cướp tài sản và chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tội giết người và cướp tài sản là 2 tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về hình phạt, bị cáo Luyện 17 tuổi, 10 tháng, 6 ngày. Theo các quy định trong Luật hình sự, mức án đối với Luyện là không quá 18 năm tù.
9h03: Một người trong gia đình bị hại bất ngờ đứng lên, đề nghị cho Luyện cầm 3 tấm di ảnh các nạn nhân, chủ tọa không đồng ý và yêu cầu vãn hồi trật tự.
8h48: LS Phạm Xuân Anh người bào chữa cho Lê Văn Luyện hỏi Luyện trước tòa. Luyện được bọc trong hàng rào cảnh sát. Mặt vẫn lạnh lùng, không biểu cảm.
Vị LS này hỏi quá trình chuẩn bị hung khí gây án. Luyện thừa nhận. Sau khi gây án, Luyện lấy vàng nhiều lần. Còn 1 ngăn không lấy được.
8h39: Bố Luyện trả lời thẩm vấn. Sau đó là Hồng. Hồng đã nghi Luyện gây án từ khi đưa Luyện ra trạm y tế xã. Sau đó chở Luyện đi Hồng vẫn nghi ngờ. Nhận dây chuyền vàng, Hồng càng nghi Luyện gây án. Hồng vẫn không tố cáo em mình. Khi thấy bố đi Lạng Sơn về thì nghĩ chắc đó là Luyện.
VKS tiếp tục hỏi bác Luyện và cô Luyện để làm rõ hành vi không tố giác tội phạm. Những người này đều khẳng định Luyện thừa nhận vụ cướp với bố nhưng không kể rõ.
8h32: Hết phần lời khai của các nhân chứng, chủ tọa tiếp tục thẩm vấn Luyện, Luyện vẫn khẳng định chỉ có một mình mình gây án, đồng thời khẳng định lại, mình sinh ngày 18/10.
Bác của cháu Bích, người đưa nạn nhân đi cấp cứu, kể trước tòa: "Tôi là người trực tiếp đứng cạnh cháu Bích đi cấp cứu. Một chú công an kề miệng hỏi cháu: Thế con nhìn thấy có mấy người? - Con nhìn thấy 2 người thanh niên như thế nào? Có dao không con? - Hai chú thanh niên người gầy".
8h25: Chủ tọa công bố bản tường trình của cháu Bích:
- Cháu cho biết có mấy người xuất hiện trong nhà cháu?
- Ngoài chú cao to như cháu đã trình bày ở trên, còn chú nữa, tóc có đuôi. Cả hai người này cháu đều không quen, khi nhìn, cháu không nhận ra được vì trời tối.
Ngoài ra, nhân chứng Trịnh Thị Hoa cũng kể: Khi mọi người bảo vợ chồng Chín Ngọc bị sát hại. Chị lên và thấy cháu Bích đang được bế từ trong nhà ra xe, cháu nói có thấy 2 thằng úp mặt bố mẹ cháu vào tường. Cháu
thấy "2 thằng thanh niên trẻ". Thế nhưng, những tình tiết này đã không có trong cáo trạng.
8h15: Tòa hỏi nhân chứng là người hàng xóm, Trương Văn Tám. Anh Tám kể sáng 24/8 không thấy nhà chị Chín mở cửa nên đã leo qua tầng 2 vào nhà anh Ngọc, đi lên tầng 3, mở rèm ra thì thấy chị Chín chết. Sau đó anh đã xuống gọi một số người cùng lên và tìm thấy cháu Bích bị thương, cháu nói "bác ơi cứu cháu với".
8h10: Chủ tọa hỏi các nhân chứng liên quan tới vụ án. Một nhân viên y tế tại trạm xá đã khâu vết thương cho Luyện. Chị này hỏi thì Luyện bảo do cắt kính ở Hà Nội bị cắt vào tay. Vết thương không sâu, chị này đã rửa và khâu vết thương cho Luyện.
8h05: Tòa hỏi Hoàng Văn Trai, người đưa Luyện sang Trung Quốc. Sau đó, được chú của hung thủ nhờ sang bảo Luyện về nên lại sang cùng và đưa Luyện về. Cùng đi với Trai có Dư. Hai người này không biết Luyện gây án nhưng sau đó chú của Luyện bảo Luyện là kẻ gây án nên cũng biết.
7h50: Tòa bắt đầu phiên xử bằng việc hỏi ông Đinh Văn Hương, anh trai chị Chín. Ông Hương đề nghị tòa xử phần cấp dưỡng và bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện phía gia đình bị hại trả lời tòa: "Tôi mong muốn cháu tôi sống lại nhưng mong muốn ấy không được. Tôi xin kiến nghị bằng văn bản, tôi đề nghị tòa xử Luyện với các tội danh: Giết người man rợ, Giết nhiều người, Giết người man rợ điêu luyện, Giết phụ nữ, Giết trẻ thơ, Cướp của, Cố tình nhận tội để che giấu chủ mưu, ngoài ra, Luyện còn phạm tội diệt chủng, diệt cả gia đình, khủng bố gia đình...". Luyện bị gia đình bị hại đề nghị xử tử hình với 9 tội danh.
7h42: Ngay khi vừa được cán bộ công an đưa vào phòng xử, Lê Văn Luyện gặp phải sự phản ứng rất dữ dội từ phía thân nhân các bị hại. Ngay lập tức, y cùng các bị cáo được đưa sang phòng cách ly.
7h39: Xe bịt bùng chở Lê Văn Luyện cùng các bị cáo đã tới cổng trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang.
7h35: trong hội trường, tiếng chuông reo báo bắt đầu xét xử đã vang lên nhưng chưa xuất hiện xe bịt bùng chở các bị cáo. Hơn chục thân nhân của gia đình bị hại đã có mặt trong phòng xử, mang theo di ảnh các nạn nhân
7h30: Điểm mới dễ nhận thấy so với ngày hôm trước là sự có mặt của hàng chục CBCS Cảnh sát cơ động tại khu vực trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang.
Lực lượng cảnh sát bảo vệ được bố trí đông đảo bên ngoài phòng xử án Ảnh: Giaoduc.net.vn |
Sáng sớm, các ngã đường dẫn về trụ sở tòa án đều bị ngăn bằng một hàng rào thép gai. Nhiều người dân hiếu kỳ tập trung gần khu vực tòa án.
Cũng trong sáng sớm, hàng chục người trong gia đình nạn nhân đã tập trung trước cổng tòa án. Đầu mỗi người đều chít khăn tang trắng, mang theo di ảnh ba nạn nhân xấu số và cả biểu ngữ đòi tử hình Lê Văn Luyện.
Phòng xử khá chật nên chỉ đủ cho khoảng 40 nhân chứng, người bị hại, người liên quan và cảnh sát tư pháp. Hàng chục phóng viên các báo, đài buộc phải tác nghiệp hai bên hành lang.
Việt Khánh - Trần Huệ
(tổng hợp)