Nhà báo cần lôi cuốn những thành viên của mạng xã hội
Nhà báo cần lôi cuốn những thành viên của mạng xã hội
Sáng 28 -10, Hội thảo mạng xã hội với báo chí do Bộ TT&TT phối hợp với Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn chủ trì hội thảo; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo đài Trung ương và địa phương cùng dự.
Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn chủ trì hội thảo |
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống xã hội, thu hút đông đảo người tham gia và sử dụng như một tiện ích được ưa chuộng. Đặc biệt, mạng xã hội có mối quan hệ tương tác với hoạt động báo chí hiện đại. Việt Nam chưa có nhiều cơ quan báo chí xem mạng xã hội là một nguồn thông tin, trong khi mạng xã hội lại đang khai thác triệt để nguồn tin từ báo chí.
Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng: Trong những động lực để phát triển Internet thì công cụ tìm kiếm và mạng xã hội đóng vai trong quan trọng. Tại Việt Nam, tính đến tháng 9 - 2011, chúng ta có 130 mạng xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ. Trong "Top 100 website Việt Nam" do GoOnline công bố vào tháng 9/2010, đứng đầu là ZingMe với 5,1 triệu lượt truy cập; Facebook xếp thứ 2 với 2,9 triệu lượt xem... Như vậy, mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin, cung cấp đề tài cho báo chí; quảng bá thông tin cho báo chí, góp phần xây dựng giá trị thương hiệu cho các cơ quan báo chí; Là kênh tương tác của báo chí với độc giả, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống. Ngược lại, báo chí sẽ tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng thông tin và "chính thống hoá" thông tin trên mạng xã hội; định hướng thông tin trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều cơ quan báo chí xem mạng xã hội là nguồn thông tin, trong khi mạng xã hội lại đang khai thác triệt để nguồn tin chính thống báo chí. Bà Annelie Ewers, Giám đốc tổ chức dào tạo báo chí Thuỵ Điển (FOJO), cho rằng: "Mạng xã hội là chủ đề nóng của Thuỵ Điển và thế giới. Mạng xã hội có tác động lớn đến hoạt động báo chí hiện nay. Bởi mạng xã hội là phương thức truyền thông có tác động đến cấu trúc xã hội và nền kinh tế thế nên cần phải có vai trò giám sát của nhà báo. Nhưng báo chí của chúng ta lại đang ở ngã tư đường. Ai sẽ nắm quyền và vai trò của các nhà báo trong tương lai? Ai sẽ quyết định vấn đề xuất bản và tạo ra tin tức mới? Thông tin sẽ công khai và mọi người tiếp cận được mọi lúc mọi nơi khi thời gian luôn chuyển động? Tôi tin các nhà báo sẽ là những người đi đầu trong việc ứng dụng CNTT. Qua đó, các nhà báo cần phải nhanh chóng đóng vai trò lôi cuốn mọi người tham gia mạng xã hội vào làm tin và phóng sự điều tra.Nhưng làm được việc này, cần nhiều hơn nữa sự dũng cảm và thông thái của các nhà báo. Cũng cần khảng định lại rằng, báo chí không phải là công nghệ mà là những câu chuyện, thông tin nhà báo cung cấp. Ứng dụng CNTT vào báo chí truyền thống sẽ giúp các nhà báo thể hiện được vai trò của mình. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của mình đối với những nội dung mà chúng ta cung cấp".
Chiều cùng ngày các đại biểu tiếp tục thảo luận để đưa ra những giải pháp phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa mạng xã hội với báo chí và ngược lại.
Lê Dương