Người thương binh kể chuyện bắt cướp "3 đấu 7" trên tàu hỏa
Ảnh minh họa |
Người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi, khuôn mặt sạm nắng, mái tóc điểm bạc, dáng người cao đậm, ngồi bên chiếc bàn làm việc trong căn phòng nhỏ ở số 7 Thiền Quang, Hà Nội, vừa nói chuyện với khách, thi thoảng lại thấy anh dùng tay xoa vào hai bên thái dương. “Chắc mai lại mưa rồi, cứ thời tiết thay đổi là vết thương cũ trên đầu tôi lại tái phát đau nhức”, Thượng tá Lê Văn Thành, Đội 3 – Đội điều tra xét hỏi, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP.Hà Nội cười nói.
Thượng tá Thành cho biết, năm nay anh tròn 54 tuổi nhưng có đến 33 năm công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội và là một trong những cảnh sát được công nhận thương binh đầu tiên của phòng.
“Ngay từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê, ao ước lớn lên sẽ được làm công an hình sự để trực tiếp đối mặt với những kẻ tội phạm và bắt chúng phải trả giá cho những gì mà chúng đã gây ra”, Thượng tá Thành tâm sự.
Thượng tá Lê Văn Thành (Ảnh: Xuân Hải) |
Khi được hỏi về trường hợp anh bị thương trong khi cùng đồng đội tham gia bắt cướp, gương mặt anh bỗng trở nên trầm ngâm, dường như ký ức bấy lâu lại tràn về trong anh.
Thượng tá Thành kể lại, vào đầu những năm 1980, tình hình tội phạm cướp giật lúc đó diễn ra rất phức tạp, manh động, các đối tượng thường tụ tập thành từng nhóm đông để trấn cướp. Đặc biệt, táo tợn hơn các đối tượng còn ngang nhiên cướp trên các nhà ga, tàu điện, bến tàu, đặc biệt là các chuyến tàu chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn. Thời điểm này, anh Thành được lãnh đạo Phòng Hình sự phân công vào Đội Địa bàn và trực tiếp nhận nhiệm vụ chống cướp trên tàu hỏa – tàu khách chuyến Hà Nội – Lạng Sơn.
"Từ những vụ cướp mới xảy ra được nhân dân khai báo, qua điều tra tổ công tác chúng tôi nhận thấy, bọn cướp thường đi thành từng nhóm từ 5 đến 7 người, có mang theo vũ khí nghiêm trọng như súng, lê AK, tuýp sắt, dao găm lên các chuyến tàu đi lại ngông nghênh trên các toa. Thấy người nào có vẻ sang trọng, nhiều tiền hoặc có mang theo những đồ đạc, trang sức đắt tiền là chúng ngang nhiên cướp giật, ai có ý phản kháng là ra tay đánh đập không thương tiếc" - Thượng tá Thành nhớ lại.
Để lập lại trật tự, trấn áp tội phạm, Công an TP. Hà Nội, Phòng cảnh sát hình sự đã thành lập các tổ công tác ngày đêm có mặt trực tiếp tại các địa bàn “nóng”, cảnh sát Lê Văn Thành cũng nằm trong số cán bộ, chiến sỹ trực tiếp có mặt tại địa bàn.
Anh Thành kể lại rành rọt: “Khi được cấp trên giao nhiệm vụ xuống địa bàn, anh em chúng tôi đa phần là lính trẻ rất háo hức và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Tổ công tác của tôi có 3 anh em trực tiếp ăn ở, ngủ trên các chuyến tàu Hà Nội – Lạng Sơn và ngược lại.
Đến ngày 26/6/1984 khi tàu đang chạy, tổ công tác phát hiện khoảng 7 đối tượng đang cướp tài sản của hành khách trên tàu, không chút do dự 3 anh em đã lên kế hoạch bắt nhóm cướp.
Trong lúc anh em chúng tôi ập vào toa tàu, thấy chúng tôi có 3 người bọn cướp tỏ vẻ không sợ nhưng anh em chúng tôi cương quyết lao vào bắt giữ các đối tượng. Thấy vậy các đối tượng đã dùng vũ khí để đánh trả tổ công tác. Chỉ có 3 người nhưng chúng tôi đánh lại 7 đối tượng có vũ khí, thấy rõ sự quyết liệt của công an các đối tượng cướp càng ngoan cố chống trả quyết liệt hòng thoát thân.
Trong lúc vật lộn, bất ngờ tôi thấy bị một đối tượng dùng lê AK xông thẳng đến đâm vào người. Vừa tránh kịp nhát đâm của đối tượng sượt qua sườn thì bất ngờ một đối tượng khác lao tới dùng tuýp sắt đập thẳng vào giữa đỉnh đầu khiến tôi ngất lịm, chiếc mũ cối đang đội trên đầu vỡ toang. Trước khi ngất đi, tôi vẫn nhìn thấy các đối tượng lao qua cửa sổ tàu để nhảy xuống trốn thoát.
Khi tỉnh dậy tôi mới thấy mình đang nằm trong bệnh viện với vết thương rạn hộp sọ trên đỉnh đầu, cùng vết đâm ở sườn, hai anh em trong đội bị xây xát nhẹ”.
Sau đó một thời gian, lực lượng cảnh sát hình sự tăng cường truy bắt, các đối tượng cướp trên tàu lần lượt bị sa lưới, đem lại bình yên cho nhân dân, không còn cảnh sợ hãi của người dân trên các chuyến tàu.
Mất hơn 1 tháng điều trị vết thương rạn hộp sọ và vết thương bên sườn, anh Thành được xuất viện. Anh được nhà nước công nhận thương binh loại A với thương tật mất vĩnh viễn 31% sức khỏe.
Anh Thành bảo, để anh có thời gian tập trung vào công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao thì vợ của anh, người đã ngưỡng mộ cảnh sát hình sự mà đến với anh, chính là hậu phương vững chắc, luôn luôn động viên và chia sẻ cùng anh suốt 30 năm qua.
“Với hơn 33 năm công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, 30 năm tuổi Đảng, tôi luôn ý thức rằng, là người cảnh sát hình sự khi nào không còn tội phạm lúc đó chúng tôi mới nghỉ ngơi, bởi nghề cảnh sát hình sự đã ngấm vào máu của tôi rồi”, anh Thành khẳng định.