Người mang án tử hình suốt 43 năm đã được kết luận là oan
Chiều nay (9/8), sau khi kết thúc buổi họp chuyên ngành, các báo đồng loạt đưa tin ông Bùi Ngọc Hoà, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết sau khi khẩn trương xem xét nghiên cứu, ngoài tài liệu có trong hồ sơ thì các cơ quan tố tụng đã thu thập thêm một số tài liệu chứng cứ khác và đã có kết luận chính thức ông Trần Văn Thêm bị truy tố tội giết người, cướp giật tài sản trong vụ án giết người từ năm 1970 là oan sai.
Như vậy là sau 46 năm kể từ ngày bị bắt, sau 44 năm bắt đầu mang án giết người cướp của, sau 43 năm án tử hình có hiệu lực, và hành trình nhiều năm kêu oan của ông Trần Văn Thêm (cư trú tại xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh), người nhiều lần viết đơn bằng máu kêu oan đã được kết luận là oan.
Đây là có thể coi là vụ án được minh oan mà thời gian kéo dài nhiều năm nhất, tính những vụ án gần đây. Trước đó, ở Bình Thuận có vụ án ông Huỳnh Văn Nén thời gian minh oan kéo dài hơn 17 năm, ở Bắc Giang có thời gian từ khi kết án đến khi được minh oan hơn 10 năm.
Trong chiều nay, PV Infonet đã có mặt tại nhà ông Trần Văn Thêm ghi nhận khoảnh khắc chờ đợi của ông Trần Văn Thêm và gia đình.Hình ảnh ông Trần Văn Thêm trong ngày chờ đợi kết quả cuộc họp chuyên ngành tại Tòa án Nhân dân Tối cao
Ông Trần Văn Thêm, người chờ đợi ngày được kết luận oan đã 43 năm |
Ông Trần Văn Thêm cùng ông Chu Văn Canh, người cháu tham gia viết đơn tư cho ông Thêm trong những ngày đầu |
Ông Trần Văn Thêm và Luật sư Vũ Văn Lợi (Văn phòng luật sư Hòa Lợi, Đoàn luật sư Tp Hà Nội) |
Theo hồ sơ vụ án, đêm 23/6/1970, hai anh em ông Thêm mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu ông.
Ông Trần Văn Thêm kêu lên, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu người em là Văn (em họ ông Thêm) nằm cạnh đó. Nghe tiếng kêu cứu trong đêm, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em đã chết.
Các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú sau đó cho rằng ông là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản.
Sau nhiều năm kêu oan, đêm 30 Tết năm Âm lịch (đầu năm 1976), ông Thêm cho biết, mình được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Khi đó, tổng thời gian ông ở trại tạm giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày.