Nghi can rao bán tiền giả trên Facebook bị công an bắt khẩn cấp
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) vừa cho biết đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội, bắt giữ Hà Văn Lâm (25 tuổi, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) nghi phạm sử dụng tài khoản Facebook có nickname “Sang Ngoc” đăng tải thông tin rao bán tiền polymer giả trên Facebook, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc rao bán tiền giả trên Facebook thực chất là hình thức lừa đảo. |
Trước đó, vào tháng 11/2015, cơ quan Công an C50 phát hiện nhiều Facebook có nội dung rao bán tiền giả lấy tiền thật. Trong đó có Facebook có nickname “Sang Ngoc” rao bán tiền giả với mức quy đổi gấp nhiều lần, như 500 nghìn tiền thật mua được 1,7 triệu tiền giả, 1 triệu tiền thật mua được 3,5 triệu tiền giả, 3 triệu tiền thật mua được 12 triệu tiền giả.
Facebook “Sang Ngọc” yêu cầu khách phải mua từ 500 nghìn trở lên mới thực hiện giao dịch và yêu cầu khách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định, có người hám lợi đã chuyển khoản cho “Sang Ngọc” để mua tiền giả.
Nhưng sau khi chuyển tiền, khách mua tiền giả bị “Sang Ngọc” cắt liên lạc, chặn Facebook. Từ những chứng cứ nêu trên, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định người sử dụng Facebook “Sang Ngọc” lừa đảo là Hà Văn Lâm.
Lâm 25 tuổi, kinh doanh điện thoại tại cửa hàng BomShop ở huyện Hoài Đức, nhưng sau đó chuyển về cổng chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đến ngày 28/1,Cục C50 phối hợp với Công an huyện Hoài Đức bắt khẩn cấp Hà Văn Lâm.
Tiến hành khám xét nơi ở của nam thanh niên 25 tuổi tại huyện Hoài Đức, cơ quan công an thu giữ 1 thẻ ATM dùng để nhận tiền lừa đảo, 1 điện thoại, 1 máy tính xách tay. Còn trước đó, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có nickname “Doi tien gia” rao bán: “Giá mua tiền giả nhân 5 số tiền thật. Ví dụ 1 triệu tiền thật bằng 5 triệu tiền giả”.
Kèm theo lời quảng cáo, nickname “Doi tien gia” đưa ra một số cảnh báo rằng giao dịch mua bán tiền giả trực tiếp hoặc qua đường chuyển phát bưu điện sẽ bị cảnh sát và đơn vị chuyển phát phát hiện.
Một cán bộ C50 cho biết, đây thực chất là hình thức lừa đảo của các đối tượng rao bán tiền giả. Các đối tượng rao bán không có tiền giả, khi người dân hám lợi chuyển tiền các đối tượng sẽ chiếm đoạt rồi cắt liên lạc.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.