Ngân hàng Xây dựng có huy động lãi suất vượt trần?
Phan Thành Mai tại phiên tòa xét xử (Ảnh: Dân Trí) |
Phạm Công Danh, Phan Thành Mai luôn khai rằng: Để cứu thanh khoản ngân hàng, đã thực hiện huy động vốn trả lãi vượt trần. Nhưng, khi đối diện với các câu hỏi của luật sư thì các bị cáo “cầm đầu” đều quanh co, né tránh hoặc từ chối trả lời.
Phan Thành Mai lúng túng bất thường
Sáng 11/8, đối diện những câu hỏi của luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên xung quanh vấn đề VNCB có huy động tiền gửi trả lãi vượt trần hay không? Các bị cáo “cầm đầu” các sai phạm tại VNCB: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai tỏ thái độ bất thường, quanh co hoặc từ chối trả lời.
Luật sư Uyên đặt câu hỏi với bị cáo Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB): “Ông cho biết thời điểm ông tiếp nhận VNCB, các chỉ số tài chính của ngân hàng thế nào?”. “Câu này bị cáo đã trả lời nhiều lần, bị cáo xin không trả lời lại” – bị cáo Mai đáp.
Luật sư hỏi tiếp: “VNCB có báo cáo về tình hình ngân hàng không?”, Phan Thành Mai cho rằng câu hỏi động đến quyền lợi của bị cáo, nên không trả lời.
“Nhiều lần VNCB gặp khó khăn thanh khoản, ông có đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ khó khăn thanh khoản không?”, luật sư Uyên tiếp tục hỏi.
Ở câu hỏi này, Phan Thành Mai trả lời có chuẩn bị trình Ngân hàng Nhà nước xin tái cấp vốn nhưng chưa trình.
Các câu hỏi khác của luật sư Uyên như: “VNCB dã bao giờ bị Ngân hàng Nhà nước phạt huy động lãi vượt trần chưa? Tổng số tiền lãi ngoài đã chi năm 2013 là bao nhiêu?”, Phan Thành Mai đều từ chối trả lời.
Tiếp đến, luật sư đặt vấn đề các phiên xử trước Phan Thành Mai khai rằng nhiều chi nhánh đòi chi lãi ngoài, vậy có bằng chứng việc khách hàng yêu cầu chi lãi ngoài không? Bị cáo Mai đáp rằng đã trả lời ở phiên xử trước, không trả lời lại.
Vấn đề tổng huy động cuối năm 2013 cũng được luật sư Uyên đặt ra. Nhưng Phan Thành Mai thoái thác trả lời, cho rằng đã có trong báo cáo kiểm toán.
Trước thái độ không thành thật của bị cáo, luật sư thông tin: “Ông không nhớ thì tôi nói cho ông biết là hơn 31 nghìn tỷ đồng”.
“Ông cho biết tất cả khoản huy động này đều phải chi lãi ngoài?”, luật sư Uyên hỏi.
“Câu này động đến quyền lợi của bị cáo, bị cáo xin không trả lời câu hỏi này”, Phan Thành Mai đáp.
Làm rõ lời khai của Phan Thành Mai rằng: Phạm Công Danh chi lãi ngoài cho nhóm bà Bích lên tới 2.500 tỷ ở phiên tòa trước. Tại phiên xử hôm nay, luật sư Uyên đặt câu hỏi: “Tổng số tiền lãi ngoài ông trả lời đã chi cho nhóm Trần Ngọc Bích là bao nhiêu?”, bị cáo Mai khẳng định đã trả lời không trả lời lại.
Nữ luật sư hỏi tiếp: “Trong các phiên trước thì ông cho rằng tiền chi lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích là 2.500 tỷ. Với con số này thì tổng tiền huy động từ nhóm bà Bích phải trên 62.000 tỷ. Ông có thấy số liệu không hợp lý?”.
Theo đó, Phan Thành Mai cho rằng, đã trả lời không phải chỉ năm 2013 và việc này đã trả lời ở các phiên trước, không trả lời lại.
Câu hỏi kế tiếp, luật sư nhấn mạnh: “Trong vụ án này thì ông Phạm Công Danh và các bị cáo khác khai thì phải chi ngoài cầm cố sổ tiết kiệm cùng với chênh lệch tiền gửi và vay chỉ 0,5-1,25%. Như vậy là lỗ. Ông nói sao về vấn đề này?”
Phan Thành Mai trả lời lạnh lùng: “Tôi xin phép không trả lời vì câu hỏi quá dài và không rõ ý”.
Cũng diễn biến, luật sư đặt các câu hỏi về việc Công ty Earst and Young (đơn vị thực hiện kiểm toán cho VNCB năm 2013) có thực hiện xác nhận số dư tiền gửi của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn không?
Cựu TGĐ VNCB đáp rằng, ngân hàng có gửi số dư tới khách hàng bằng nhiều phương thức.
Luật sư Uyên hỏi Phan Thành Mai câu cuối: “Có 3 hồ sơ vay không có chữ ký thì Earst and Young năm 2013 có kiểm toán và phát hiện ra vấn đề không?”
Mai đáp: “Tất cả hồ sơ có lưu ở ngân hàng, tôi không trả lời thêm vấn đề này”.
Phạm Công Danh: Quanh co, cáu gắt
Cũng liên quan việc VNCB có huy động trả lãi vượt trần hay không? Và làm rõ khoản tiền của nhóm bà Trần Ngọc Bích, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đặt nhiều câu hỏi sắc bén cho “ông trùm” Phạm Công Danh.
Câu hỏi đầu tiên đối với Phạm Công Danh, luật sư Uyên nói: “Ông có thể cho biết tổng số tiền lãi chi ngoài cho khách hàng VNCB là bao nhiêu?”.
“Kính thưa HĐXX, anh Mai điều hành đã trả lời rồi”.
“Theo cáo trạng một số bị cáo khai chi lãi ngoài nhóm Bích là 2.500 tỷ đồng. Nguồn tiền này ông lấy từ đâu?”.
“Thưa HĐXX tôi không trả lời câu hỏi này”, Danh đáp.
Luật sư hỏi tiếp: “Ông khai tiền chi nhóm bà Bích là tiền cá nhân ông. Vậy tiền từ đó từ đâu ông có?”.
Với câu hỏi này, Phạm Công Danh từ chối trả lời.
Một nội dung vô cùng quan trọng liên quan số tiền của nhóm bà Bích, luật sư Uyên đặt câu hỏi: “Ngày 22/4/2014, khi bà Bích yêu cầu tất toán khoản vay thì VNCB trả lời như nào?”, bị cáo tiếp tục từ chối trả lời.
Luật sư thông tin: “Khi đó bà Bích lên ngân hàng yêu cầu tất toán khoản vay, tại sao ngân hàng không thông báo tài khoản bà Bích không còn tiền?”
Phạm Công Danh thoái thác, cho rằng việc điều hành ngân hàng do TGĐ Phan Thành Mai, còn Danh chỉ định hướng, không chỉ đạo.
Tiếp đó luật sư Uyên hỏi: “Biên bản họp HĐQT 22/4/2014, bút lục 5760 có sự tham gia của ông và ông Mai đều không nhắc việc tiền đã chuyển ra khỏi tài khoản bà Bích. Mà xác nhận không tính lãi các khoản vay, tiếp tục trả lãi sổ tiết kiệm, không tự ý tất toán các khoản vay. Ông giải thích như thế nào?”.
Trả lời câu hỏi này, “ông trùm” lại đổ cho Phan Thành Mai, còn ông ta chỉ định hướng không điều hành ngân hàng.
“Thưa tôi chủ trương định hướng, còn điều hành tôi giao cho anh Mai. Văn bản đó nếu có thì tôi không xác nhận, không thừa nhận”.
Luật sư Uyên tiếp tục: “Có phải các ông che giấu thông tin với khách hàng không?”.
Đến đây, Phạm Công Danh gắt gỏng, to tiếng: “Luật sư có quyền hỏi, tôi không trả lời là việc của tôi”.
Hành xử không đúng mực của Phạm Công Danh bị HĐXX cảnh cáo.
Đại diện ngân hàng Nhà nước trả lời “né tránh”?
Nhằm làm rõ thêm, luật sư Uyên xét hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước các vấn đề liên quan như việc đặt Tổ Giám sát đặc biệt tại VNCB. Đại diện Ngân hàng Nhà nước xác nhận tổ Giám sát được thành lập vào tháng 2/2012.
Mục đích, do ngân hàng VNCB lúc đó được xác định là yếu kém, cần giám sát để ngân hàng thực hiện đúng pháp luật, tránh thất thoát tài sản và xác nhận tùy trường hợp hỗ trợ khó khăn thanh khoản.
Tuy nhiên, khi luật sư đặt các câu hỏi về thanh khoản của VNCB, đại diện Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu trả lời “né tránh”.
Ví như: “Khi ngân hàng bị giám sát đặc biệt thì những giao dịch nào phải thông qua tổ giám sát?”; “Một số trường hợp cụ thể gồm VNCB huy động từ nhóm bà Trần Ngọc Bích 124 sổ tiết kiệm, các khoản chi trả lãi, khoản vay 5.190 tỷ, khoản vay 300 tỷ có phải thông qua tổ giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại VNCB không?”, các nội dung này phía đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng đã trả lời về quyết định 12.
Câu hỏi của luật sư Uyên về việc Ngân hàng Nhà nước đã dỡ bỏ trần lãi suất huy động, thì được trả lời rằng không liên quan cáo trạng nên không trả lời.
Ở câu hỏi khác: “Các bị cáo đã cho rằng để cứu thanh khoản của VNCB nên đã huy động vượt trần lãi suất. Khi tại VNCB có Tổ Giám sát thì có cần huy động vượt trần không?”.
“Việc huy động vượt trần lãi suất thì tôi đã trả lời rất rõ ở các phiên trả lời trước, xin phép không trả lời lại” – đại diện Ngân hàng Nhà nước hồi đáp.
Luật sư Uyên đặt câu hỏi về trách nhiệm: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên kiểm tra, thanh tra các tổ chức tín dụng có huy động vượt trần? Xin bà cho biết VNCB đã từng bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phạt vì huy động vượt trần lãi suất không?”.
Đáp lại các câu hỏi này, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng đã trả lời rồi.