Luật sư Vietinbank: Đừng vội mừng, có thể xuất hiện ACB thứ 2
Ngày 30/12 phiên tòa phúc thẩm tiếp tục với phần đối đáp của các luật sư bảo vệ cho Vietinbank sau lập luận của VKS đưa ra ngày hôm qua.
Theo đó luật sư Trung khẳng định ông tiếp tục bảo lưu toàn bộ ý kiến đã phát biểu trong phần tranh luận. Ông cho rằng trong phần này toàn bộ bản chất sự việc đã được làm rõ. Ông cũng thấy rằng việc đối đáp lại về những sai phạm của ACB là không cần thiết, vì bản án đã có hiệu lực.
Phiên toàn bước sang ngày thứ 13 với phần đối đáp căng thẳng của các luật sư. |
Tuy vậy ông Trung cũng đặt câu hỏi về việc các luật sư của Ngân hàng ACB nhiều lần viện dẫn luật dân sự, trong khi sự việc của Huyền Như là một vụ án hình sự. Riêng phần các luật sư ACB viện dẫn rằng ngân hàng này đã từng ủy thác cho nhân viên đi gửi tại nhiều ngân hàng khác và thu lợi lớn, ông Trung cho rằng “đây là vấn đề phải xem xét”, và nếu cần thì tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính từ việc này.
Luật sư Trung cũng lưu ý rằng VKS chỉ đề nghị HĐXX hủy 1 phần bản án sơ thẩm điều tra lại, điều đó không đồng nghĩa với việc yêu cầu đòi Vietinbank bồi thường được chấp nhận. “Các công ty đừng vội mừng, vì có thể sau khi điều tra chẳng những không đòi được tiền mà còn trở thành ACB thứ 2” – ông Trung nói.
Luật sư Trung muốn đề cập đến việc các công ty (Chứng khoán Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, Bảo hiểm toàn cầu) đã nhận tiền ủy thác từ các ngân hàng Hàng Hải, Tiên Phong để gửi vào Vietinbank. Trước đó một luật sư của Vietinbank đã đề nghị khởi tố vụ án cố ý làm trái ở hai ngân hàng này, vì cho rằng bản chất sự việc giống như ACB đã làm (các lãnh đạo của ACB đã lĩnh án về hành vi này).
Với các ý kiến của vị đại diện VKS về việc gửi tiền của các nhân viên, công ty, luật sư Trung cho rằng ông mới tập trung phân tích về mặt hình thức mà chưa chú ý đến nội dung, bản chất sự việc để thấy rằng họ mở tài khoản để làm gì? Tại sao lại bỏ mặc cho Như thao túng?
Ông Trung thêm một lần nhấn mạnh đến việc các công ty Hưng Yên, Saigonbank Berjaya đã nhận lãi suất trong, ngoài hợp đồng lớn hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước (tại thời điểm xảy ra vụ án) nên đã để bị cáo Như lừa gạt. Vì vậy dù ký hợp đồng tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè nhưng lại gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
Về quan điểm VKS cho rằng Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Hàng Hải là pháp nhân độc lập và không liên quan trong phạm vi phiên xử phúc thẩm, luật sư Trung lập luận, hồ sơ cho thấy hành vi của hai ngân hàng này không khác gì ACB và Navibank. Điều khác biệt chỉ là thay vì ủy thác cho nhân viên như hai ngân hàng trên thì Tienphongbank và Maritimebank đã ủy thác qua các công ty.
Từ các lập luận trên luật sư Trung tiếp tục đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên buộc Như phải trả lại số tiền cho các bị hại.
Trước đó, cũng trong phần tranh luận, đại diện VKS và luật sư của các công ty Chứng khoán Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, Bảo hiểm toàn cầu cho rằng Vietinbank phải là là đơn vị bồi thường thiệt hại. Trong khi các luật sư của ACB, Navibank lại phản đối quan điểm của VKS, vì đối với hai ngân hàng này ông cho rằng án sơ thẩm kết luận buộc Huyền Như phải trả lại tiền là đúng.