Luật sư Vietinbank: ACB có sự gian dối ngay từ đầu
Chiều ngày 25/12 phiên xử phúc thẩm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Mở đầu là phần trình bày của luật sư Nguyễn Thị Bắc (đoàn luật sư TP Hà Nội) trước kháng cáo đòi hủy án sơ thẩm của Ngân hàng Á Châu (ACB) và những cáo buộc mà VKS đưa ra trong phần luận tội trước đó.
Luật sư cho rằng Như đã có“thỏa thuận ngầm” với nhân viên ACB. |
Với yêu cầu của ACB buộc Vietinbank phải trả 718 tỷ đồng và lãi phát sinh, vị luật sư cho biết bà phản bác kháng cáo này. LS Bắc khẳng định Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền của ACB ngay từ đầu, bằng việc thỏa thuận huy động tiền lãi suất cao với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ ACB).
Từ lời khai của bị cáo Như và các đương sự, bà Bắc cho rằng “thỏa thuận ngầm” giữa Như và bà Ngọc về mức lãi suất được ghi trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng được trả ngay sau khi tiền chuyển vào TKTT là 3,8 đến 4,5%/năm và riêng cho Ngọc là 1,5% là trái pháp luật. “Bản thân bị cáo Như cũng khai nhận, việc đồng ý lãi suất chênh từ 3,8 đến 4,5%/năm và 1,5% gửi riêng cho Ngọc là nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của họ”. – bà Bắc nói.
Cũng theo bà Bắc thì “thỏa thuận ngầm” ở trên trên xuất phát từ chủ trương sai trái của Thường trực Hội đồng quản trị ACB (ủy thác cho nhân viên gửi 718 tỷ đồng vào Vietinbank).
Luật sư của Vietinbank cũng cho rằng Như đã dùng mồi “lãi suất cao” và tiền hoa hồng để dụ Ngọc và các nhân viên ACB làm theo sự sắp đặt của mình. Khi tiền được chuyển vào tài khoản thanh toán của các nhân viên ACB mở tại Vietinbank, Như đã chuyển cho Ngọc 3,7 tỷ đồng qua Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái của Ngọc).
“Do mắc phải bẫy lãi suất, Ngọc và các nhân viên ACB đã bị Như đã lợi dụng để tráo chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản, lập các hợp đồng tiền gửi giả... ”. – bà Bắc nói.
Theo luật sư, các nhân viên ACB đã vô trách nhiệm, thờ ơ với các biến động của tài khoản và phó thác các thẻ tiết kiệm cho Như. Lợi dụng điều này Như chuyển tiền trót lọt bằng lệnh chi khống, lệnh chi giả từ đó chiếm 718 tỷ đồng của ACB.
LS Bắc cho rằng tài khoản thanh toán của các nhân viên ACB “không giống hàng triệu khách hàng cá nhân khác”, vì những tài khoản này mở với mục đích để chuyển tiền huy động từ người dân theo “thỏa thuận ngầm” với Như.
“Nếu không có lãi suất chênh lệch và hoa hồng cho Ngọc thì chắc chắn các nhân viên không mở tài khoản thanh toán tại Vietinbank. Thực chất ACB đã ủy thác vào tài khoản của nhân viên để kiếm lời bất chính. Như vậy là “không ngay tình và có sự gian dối từ đầu”. – vị luật sư lập luận.
Về phía Vietinbank, bà Bắc khẳng định ngân hàng này không biết nội dung “thỏa thuận ngầm” mà Như thống nhất với ACB. Bên cạnh đó Vietinbank cũng không biết nguồn tiền gửi là của ACB (trước đó đại diện Vietinbank trong phần đối chất cho rằng: “Nếu biết nguồn tiền là của ACB thì chắc chắn sẽ không chấp thuận cho 19 nhân viên mở tài khoản thanh toán).
Do đó bà Bắc cho rằng Vietinbank “hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của lãnh đạo và 19 nhân viên ACB”, nên ACB phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình.
Kết luận lại bài bào chữa, bà Bắc khẳng định bản án sơ thẩm tuyên buộc Huyền Như phải trả cho ACB 718 tỷ là có căn cứ và đúng pháp luật.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.