Luật sư nói gì về “bắt khẩn cấp Trang Trần”?
Dưới góc nhìn luật pháp, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, cho rằng có thể bắt nhưng không đến mức “bắt khẩn cấp”. Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TpHCM).
Người mẫu, diễn viên Trang Trần |
Qua thông tin báo chí thấy rằng, hành vi của diễn viên Trang Trần, với tư cách là một công dân và ứng xử của một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như vậy là thiếu chuẩn mực, đáng phê phán…hành vi này có cấu thành tội phạm hay không, tôi xin mạn phép chưa bình luận, nhưng nhìn ở góc độ pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với diễn viên này phải xem xét hết sức thấu đáo.
Khoản 1 điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp phải thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 81 Bộ luật này: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Theo quy định này cùng với diễn biến vụ việc, thì Trang Trần chỉ có thể thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 điều 81 Bộ luật TTHS: “Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;”; “Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.”.
Như vậy, suy diễn theo các quy định trên thì diễn viên Trang Trần được xác định là Người đã thực hiện tội phạm hoặc Người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ và được xác lập tư cách trong tố tụng là Người bị tạm giữ.
Căn cứ theo diễn biến vụ việc mà báo chí phản ánh, thấy rằng Trang Trần đã hoàn tất thực hiện hành vi (có dấu hiệu chống người thi hành công vụ) và đã bị tạm giữ hành chính. Trong thời gian tạm giữ hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự, thì chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.
Trong vụ việc này, nếu căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 81 Bộ luật TTHS: “Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;” là không phù hợp, vì tại thời điểm xảy ra vụ việc Trang Trần đã bị tạm giữ hành chính ngay sau khi thực hiện hành vi.
Còn nếu căn cứ theo theo c khoản 1 điều 81 Bộ luật TTHS: “Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ” thì quá mông lung, vì không biết “có dấu vết của tội phạm ở người” của người “bị nghi thực hiện tội phạm” được hiểu là như thế nào trong trường hợp này, trong khi cô Trang Trần đã bị tạm giữ hành chính ngay sau đó.
Và khi nội hàm thuật ngữ “bị nghi là thực hiện tội phạm” và thời điểm và căn cứ “xác định một tội phạm” để làm căn cứ tạm giữ hình sự chưa được quy định rõ ràng chi tiết trong luật, thì việc ranh giới giữa đúng và sai, hành chính và hình sự trong vụ việc này là rất mong manh.
Thiết nghĩ, Viện Kiểm sát nhân dân cần xem xét lại quyết định tạm giữ đối với Trang Trần của cơ quan CSĐT cùng cấp một cách thấu đáo!
Và nếu trong trường hợp, quyết định tạm giữ bị huỷ bỏ bởi Viện kiểm sát vì không có căn cứ, điều đó cho thấy cần thiết “quyền giữ im lặng” của nghi can cần được xem xét đưa vào luật là hết sức khẩn thiết để tránh những sai sót tương tự và phòng ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực tố tụng có thể xảy ra.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
Người bị tạm giữ có quyền theo quy định tại khoản 2 điều 48 Bộ luật TTHS: Thứ nhất, được biết lý do mình bị tạm giữ; Thứ 2, được giải thích về quyền và nghĩa vụ; Thứ 3, trình bày lời khai; Thứ 4, tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Thứ 5, đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Thứ 6, khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nếu thấy quyết định tạm giữ không có căn cứ Trang Trần có quyền khiếu nại hoặc thông qua luật sư thực hiện quyền này.
Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia đình (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cũng khẳng định:
“Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó ..trốn; hoặc thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ và Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn… Theo tôi, dùng từ “bắt khẩn cấp” là không cần thiết".