Lừa xin việc, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng
Theo cơ quan điều tra năm 2003, Sen từng có 1 tiền án về tội lừa đảo xin việc cho 30 bị hại. Sau khi ra tù “chứng nào tật ấy” đối tượng vẫn tái diễn hành vi lừa đảo tung tin có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều sở, ngành tỉnh Ninh Bình xin việc vào y tế, giáo dục.
Qua tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến tháng 7/2015, với thủ đoạn này, Sen đã nhận 10 hồ sơ và tiền của nạn nhân Phạm Văn Hồng, trú tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và 9 người khác để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó có gia đình ít nhất 80 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 315 triệu đồng.
Đối tượng Nguyễn Thị Sen. |
Quá trình giao dịch tiền đều có giấy biên nhận do Sen ký tên. Mỗi lần nhận hồ sơ, Sen đều chắc chắn như đinh đóng cột là quen biết nhiều cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt là quen rất nhiều giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tin lời người phụ nữ này, ông Hồng đã gom số tiền 267 triệu đồng đưa cho Sen để xin việc cho con gái. Vào thời điểm này, ông Hồng đã thông tin đến nhiều người khác là anh em trong họ hàng, người thân về khả năng xin việc của “ân nhân” Nguyễn Thị Sen. Sau đó, 9 gia đình đã thông qua ông Hồng để nhờ Sen xin việc, chuyển công tác cho con em, người thân của mình.
Toàn bộ các trường hợp nhờ xin việc đều được Sen chấp nhận và hứa hẹn trong vòng nửa năm sẽ nhận được thông báo tuyển dụng. Tuy nhiên, đến hết thời hạn con em của những người gom tiền nhờ xin việc vẫn chưa có việc làm, họ bảo ông Hồng phải giục Sen thực hiện đúng như cam kết.
Thấy mọi người làm căng, Sen đã đem 6 tờ quyết định tuyển dụng công chức, viên chức do Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình ký tên, đóng dấu đưa cho 6 gia đình tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh.
Nhận được tờ giấy thông báo tuyển dụng với thể thức văn bản cũng như mẫu dấu, chữ ký không rõ ràng nên những gia đình này nghi ngờ là những quyết định giả. Sau đó, các nạn nhân đã trình báo đến cơ quan Công an.
Theo M.Hiền/Công an Nhân dân