Lời nói đọi máu
Phiên xử lưu động tại trụ sở UBND xã Nhơn Lý đã giúp người dự khán phiên tòa vỡ vạc ra nhiều điều về câu “một sự nhịn là chín sự lành”, về cách xử sự khi có mâu thuẫn.
Bị cáo Hiếu trước vành móng ngựa. |
Giết người vì sợ bị mách mẹ
Nhà nghèo, học hết lớp 2 thì nghỉ. Lớn lên, Hiếu theo bước cha anh làng biển lên thuyền đi bạn. Sau mỗi chuyến biển, Hiếu lại tụm năm tụm bảy nhậu với bạn. Hôm ấy, ngày 4.1.2015, cũng sau một bữa nhậu, Hiếu đi về nhà. Trên đường về, Hiếu thấy các em nhỏ đang nhảy dây nên dừng lại và ghé vào chơi. Vừa lúc đó, thấy Võ Quốc An (SN 1995) là người cùng địa phương đi ngang qua, Hiếu dùng lời lẽ không lịch sự để nói chuyện với An, An tỏ vẻ không hài lòng nên hai người lời qua tiếng lại. Cho rằng An hỗn với mình, Hiếu nhặt cục đá bên đường chạy đến đập vào đầu An chảy máu. An chạy về nhà kêu cứu ba mẹ. Mẹ An là bà Phan Thị Ngọc Nga và cha An bèn tới nhà mắng Hiếu về việc đánh con mình, đồng thời dọa sẽ mách lại với mẹ Hiếu. Hiếu sau đó đã mang dao qua nhà bà Nga và gây án mạng, khiến bà Nga chết.
Ra khỏi ngõ, cách nhà bà Nga khoảng 15 mét, Hiếu nghe bà Nga tiếp tục thách đố mình nên cầm dao quay lại, và tiếp tục dọa đâm bà Nga. Bà Nga nói lại: “Mày có giỏi thì đâm đi, đâm đi”, ngay lập tức Hiếu đâm 1 phát vào ngực trái của bà Nga rồi rút dao ra. |
Trả lời câu hỏi lý do giết người, Hiếu trình bày trước tòa: “Bị cáo mang dao qua nhà bà Nga đe dọa để bà Nga sợ, không nói chuyện này với mẹ bị cáo, chứ không có ý định giết bà Nga, nhưng vì tức, không làm chủ bản thân nên mới có chuyện đáng tiếc này”.
Tại nhà bà Nga, Hiếu nói: “Bà có tin tôi giết cả nhà bà không?”. Nghe vậy, bà Nga thách thức Hiếu. Ngay lúc ấy có một người hàng xóm vào can ngăn nên Hiếu cầm dao quay về. Ra khỏi ngõ, cách nhà bà Nga khoảng 15 mét, Hiếu nghe bà Nga tiếp tục thách đố mình nên cầm dao quay lại, và tiếp tục dọa đâm bà Nga. Bà Nga nói lại: “Mày có giỏi thì đâm đi, đâm đi”, ngay lập tức Hiếu đâm 1 phát vào ngực trái của bà Nga rồi rút dao ra.
Giữa lúc chờ tòa nghị án, một số người họ hàng lên xin gặp Hiếu nhưng không được. Cô ruột của Hiếu kể: “Ba nó mất 15 năm nay. Nó lớn lên không được kèm cặp, dạy dỗ sát sao như con nhà người ta. Mẹ nó lại nghèo, đau ốm liên miên, thằng nhỏ thua thiệt đủ đường rồi bây giờ làm chuyện bậy…”.
Nhiều người trong xóm biết chuyện đều ngạc nhiên vì trước giờ Hiếu vốn không gây gổ gì với ai. Ngay cả khi đâm bà Nga xong, Hiếu thản nhiên leo lên cây gần nhà ngủ một giấc chứ không nghĩ gì đến hậu quả mình gây ra hay tìm đường trốn chạy.
Nước mắt người mẹ nghèo
Không biết đó là lần thứ bao nhiêu, người mẹ ấy khóc. Chỉ biết, đó là lần khóc đong đầy xót xa, tủi hổ và cay đắng cho thằng con trai út Trần Văn Hiếu bị xét xử về tội giết người. Bà là Lê Thị Năm. Hôm con trai mình bị xét xử, bà Năm đến nhưng đứng từ xa, không vào khán phòng, cho đến khi HĐXX cho gọi người nhà bị cáo để hỏi về tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Hỏi bà bao nhiêu tuổi thì bà lắc lắc đầu, nói “không nhớ cô à, tui từ nhỏ sống lay lất, lớn lập gia đình, có con rồi đi làm thuê mướn cho người ta đến giờ, chắc chừng 65 - 68 tuổi gì đó”.
Lúc xảy ra vụ việc, người mẹ tội nghiệp ấy đang làm thuê ngoài bãi ghe, mãi đến khi về nhà, thấy CA ập tới bắt con mình thì bà mới hay Hiếu vừa can tội giết người. “Người ta bắt nó đi. Tui sau đó cũng không dám tới dự đám tang của bà Nga vì tui điếc nặng. Sợ tới, người ta nói mình không nghe, không thưa gửi lại, người ta kêu mình ngạo mạn thì khổ nữa. Tui nhờ người nhà tới viếng, vay mượn họ hàng được 30 triệu đồng lo được đoạn nào lo”, nói tới đó, bà khóc.
Suốt phiên xử, mắt bà luôn dõi theo cậu con trai. Bà ngậm ngùi: “Nếu chết được, tui đã chết từ hôm đó rồi. Mà giờ nhà còn hai mẹ con, chết rồi ai lo, ai chạy tiền đền bù cho nhà người ta, rồi ai sẽ vào tù thăm nó? Nó có lớn mà không có khôn. Tui nuôi nó bằng mồ hôi nước mắt mỗi ngày mà nó không biết nghĩ…”.
Lẽ ra vụ việc đã có kết thúc khác nếu những người trong cuộc cùng bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn. Khi đó, có lẽ sự việc đau lòng đã không xảy ra, sẽ không có cảnh bà Năm bất lực nhìn con vào vòng lao lý; chồng, con bà Nga không mất đi người vợ, người mẹ, vốn là lao động chính của gia đình.
Tham dự phiên tòa xét xử lưu động, bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn Lý Chánh, chắc lưỡi: “Hồi giờ mâu thuẫn, cãi nhau, đánh nhau cũng có xảy ra, nhưng hàng xóm với nhau chỉ có chút mâu thuẫn mà đánh chết người thì giờ tôi mới thấy. Đây cũng là lần đầu tôi đi xem phiên tòa lưu động như thế này, xem để biết người ta xét xử như thế nào, và mình còn biết về răn con cháu”. “Theo tôi, không nên giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí; nếu có mâu thuẫn nên cố gắng ngồi lại với nhau hoặc nhờ chính quyền địa phương phân xử”, ông Nguyễn Văn Bình, một người dự khán, đúc kết và chia sẻ sau khi tham dự phiên tòa.
Phiên tòa kết thúc với án phạt 20 năm tù giam cho Hiếu. Bà Năm thẫn người một lúc lâu rồi nói như chỉ để cho mình: “Hai mươi năm nữa, biết có sống được tới ngày con ra tù hay không. Còn tiền bồi thường hơn 80 triệu nữa, lấy đâu ra mà đưa cho người ta đây…”.
Theo KIỀU ANH/ Bình Định online