Lính hình sự kể chuyện: Băng qua Tết đánh án
Truy bắt thành công nghi phạm sát hại người phụ nữ độc thân, các trinh sát vỡ òa trong niềm vui sướng, đến lúc này, đối với họ mới là một cái Tết thực sự.
Một nồi bánh chưng còn đỏ lửa, đám trẻ con hai má hây hây ríu rít nô đùa, một cặp vợ chồng con cái tíu tít chuẩn bị đón xuân là hình ảnh bắt gặp trong hành trình rong ruổi phá án khiến những người lính hình sự Công an tỉnh Hà Nam bỗng thấy sống mũi cay cay.
Dấn thân vào nghiệp hình sự đồng nghĩa với việc chấp nhận những chuyến công tác đột xuất, xa nhà, đối mặt với gian khó và hiểm nguy. Nhưng giây phút ấy nhanh chóng qua đi, tất cả lại gác lại việc riêng, dồn tâm sức vào công việc.
Ðón những cái Tết muộn nhưng trong lòng mỗi người lính hình sự, mùa xuân luôn hiện hữu, xuân của đất trời và xuân của lòng người. Những người lính hình sự Công an tỉnh Hà Nam luôn cảm thấy sự hy sinh của họ thật ý nghĩa, bởi đã góp phần mang lại bình yên cho quê hương.
Câu chuyện dí dỏm qua lời chia sẻ của Trung tá Đỗ Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, vào buổi gặp mặt đầu xuân với gia đình các cán bộ, chiến sỹ, khiến không ít người vợ và cánh lính hình sự rớm nước mắt.
Đó là câu chuyện xảy ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân (2016), khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn đang dồn tâm sức điều tra vụ trọng án xảy ra vào ngày 25 Tết (tức ngày 13/2) tại thôn Thượng, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Lời lẽ hờn dỗi, thể hiện sự trách móc của người vợ trẻ với người chồng mới cưới được thể hiện bằng một lời nựng con mùi mẫn, được đăng tải trên Facebook, đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 đang cận kề... có lẽ cũng là nỗi lòng của những người mẹ, người vợ của các cán bộ hình sự Công an tỉnh Hà Nam nên nhận được rất nhiều bình luận.
Sau những lời trách móc ấy, mọi người đều cảm nhận được niềm tự hào, sự lo âu của những người vợ, người mẹ, đang từng giờ, từng ngày dõi theo từng bước chân của những người chồng. Những hậu phương vững chắc đó đã giúp cho những người lính hình sự “chân cứng đá mềm”.
Ðối tượng Phạm Minh Vương khi được đưa về Công an tỉnh Hà Nam. |
Ngày 25 Tết, khi lịch trực đã được sắp xếp, kế hoạch chúc Tết các gia đình cán bộ, chiến sĩ cũng được lên cụ thể, những đồng chí ở quê xa, trực đợt hai cũng được lãnh đạo đơn vị bố trí cho về quê trước thì thông tin về vụ trọng án được Công an xã An Đổ báo về. Nạn nhân là người phụ nữ độc thân, kiếm sống bằng nghề bán tạp hóa.
Có mặt tại hiện trường, Đại tá Trần Ngọc Hợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, không khỏi xót xa trước cảnh ngộ đáng thương của người phụ nữ độc thân. Cả cuộc đời, người đàn bà bươn chải, vừa xây được nếp nhà mới chưa kịp tận hưởng thì đã bị kẻ xấu tước đoạt mạng sống...
Khi công tác khám nghiệm đang được gấp rút tiến hành thì sắc xuân đã lan tỏa khắp nơi, trong từng con ngõ, trên các cung đường. Trong giây phút ấy, mỗi cán bộ đơn vị đều mong muốn phá án nhanh trong thời gian sớm nhất để người dân được bình yên đón Tết.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam, Trung tá Đỗ Hoài Nam nhớ lại: Ở vùng quê yên bình, vụ trọng án xảy ra đã gây hoang mang dư luận, nhiều người dân khi chiều vừa buông đã không dám ra khỏi nhà, các hộ gia đình đều đóng cửa từ rất sớm... Ánh mắt của họ thể hiện niềm tin tưởng rằng, lực lượng Công an sẽ nhanh chóng phá án thành công.
Những ngày đó, Đại tá Trần Ngọc Hợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam luôn sát cánh cùng anh em trong các đơn vị. Từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sỹ, tất cả đều cùng chung một tâm trạng lo lắng, mong vụ án sớm kết thúc thành công. Cùng với những người đồng chí, đồng đội, người chỉ huy mái tóc đã ngả màu thời gian tỷ mỷ phân tích các thông tin thu thập được để gỡ các nút thắt. Chiều chập choạng, khi bếp các nhà dân bắt đầu buông khói, mọi người đều nhớ nhà.
Khó khăn chồng chất khó khăn và cũng không ít lần khiến lực lượng trinh sát cảm thấy nản lòng, khi mọi thông tin đều mờ mịt. Các dấu vết thu được tại hiện trường vụ án, không giúp nhiều trong công tác truy nguyên tội phạm.
Những ngày đó, việc phá án của các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Nam như chạy đua với thời gian. Ngày thì thu thập tài liệu, rà soát các đối tượng nghi vấn, đêm đến, anh em trinh sát đến từng nhà dân, vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm, không khí “nóng” của những cuộc họp án xua đi cảm giác se sắt của những ngày đầu xuân.
Cùng với lực lượng cảnh sát hình sự, những ngày đó, các cán bộ Phòng kỹ thuật hình sự và Công an huyện Bình Lục cũng làm việc không ngơi nghỉ, sát cánh cùng những người lính hình sự...
Trung tá Lê Hải Nam, Phó trưởng Phòng PC 45 Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ: Những ngày đầu, bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ chủ yếu là bánh mỳ và nước suối được Công an huyện Bình Lục chuẩn bị nhưng chẳng ai thiết gì ăn uống. Từ thủ trưởng đến cán bộ đơn vị cộng đồng trách nhiệm với nhau, trăn trở tìm ra những điểm mở án.
Với Đại tá Trần Ngọc Hợi, người chỉ huy có gần 40 năm khoác áo lính thì cũng khoảng ngần ấy thời gian làm công tác điều tra, hình sự thì vụ án xảy ra tại thôn An Đổ vào một thời khắc đặc biệt, đã để lại những ấn tượng khó quên. Anh nhớ lại: Sau khi vụ án xảy ra, tâm lý vùng quê nặng nề như một cú sốc đối với các gia đình, không khí sắm Tết cũng trầm lắng hơn mọi khi.
Ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, các thông tin về hung thủ vụ án vẫn còn trong bóng tối. Anh em xác định, nếu chưa bắt hung thủ thì không có Tết.
Đại úy Đào Văn Dũng, Đội phó Đội trọng án, Phòng PC 45 Công an tỉnh Hà Nam nhớ lại: Mỗi ngày trôi qua, áp lực lại đè nặng lên vai của lãnh đạo và cán bộ đơn vị. Có một thông tin, anh em trinh sát lại tỷ mỷ rà soát, bất kể ngày đêm. Cứ 16h hằng ngày, cuộc họp án lại diễn ra tại UBND xã An Đổ, để phân tích, đánh giá tình hình. Vào thời điểm đó, con em địa phương từ các phương xa đi làm ăn trở về quê đón Tết nên lượng người tập trung ngày càng đông, gây khó khăn cho việc rà soát.
Quá trình phá án, Công an tỉnh Hà Nam đã phát động phong trào tố giác tội phạm, vận động người dân cung cấp thông tin về đối tượng nghi vấn. Từ sự lo ngại ban đầu, người dân đã ủng hộ lực lượng Công an phá án. Nhiều người đã đến tận nơi, động viên lực lượng đánh án: Nếu vụ việc khám phá thành công sẽ tổ chức liên hoan cho cán bộ, chiến sĩ.
Những ngày sau đó, vẫn chưa có một manh mối nào đến vụ án. Vào thời điểm này, hàng quán đã bắt đầu đóng cửa, anh em phải tự nấu cơm cho nhau ăn... song ngay đến việc mua rau cũng không dễ dàng vì bà con đã nghỉ Tết. Ngày thì rà soát, tối đến, những cán bộ được giao nhiệm vụ lại chong đèn viết báo cáo đến 2-3h sáng để hôm sau tiếp hợ chỉ để xin ý kiến chỉ đạo.
Trong vòng 5 ngày, 700 đối tượng đã được rà soát. Vào thời điểm đó, nhiều cán bộ của Phòng PC 45 vừa lập gia đình, đang trong kỳ nghỉ phép đã tình nguyện hy sinh niềm hạnh phúc riêng, sát cánh cùng anh em trong đơn vị phá án. Đến sát thời điểm giao thừa, mọi thông tin vẫn là một ẩn số. Vào thời điểm đó, nhiều đồng chí, đã phải cho vợ, con về quê đón Tết trước, một số cán bộ vẫn chưa được nhận chế độ nghỉ lễ.
Theo phong tục của người Việt, vào ngày Lễ thường kiêng mang những điều xấu đến nhà, vì vậy một tổ công tác được về nhà nhưng vẫn còn một tổ thường xuyên ứng trực ở địa bàn. Suốt những ngày sau đó, anh em hầu như không có Tết, bởi canh cánh nỗi lo chưa phá án thành công. Sự vất vả của lực lượng trinh sát đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Quá trình sàng lọc, các hướng nghi vấn đều tập trung vào đối tượng Phạm Minh Vương (SN 1988, trú tại thôn Thượng, xã An Đổ). Vương là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, hoàn cảnh khá éo le. Nhà Vương có hai người bị mắc bệnh tâm thần, không có khả năng lao động, bản thân cậu ta đang là học sinh... Trong những ngày đó, mọi di biến của Vương đều bị giám sát.
Và đến ngày 4 Tết, đối tượng Vương đã bị bắt tại địa bàn Trương Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trong quá trình phục bắt đối tượng này có một tình huống hy hữu đã xảy ra. Đó là ngày Tết, Hà Nội vắng hơn thường ngày. Trong khi mọi người đều ăn mặc đẹp, đi chơi xuân thì các anh chỉ có vài bộ quần áo nhếch nhác mặc trên người, nên không tránh khỏi ánh mắt dò xét của những người dân trên địa bàn.
Vì thế, sau khi chỉ đạo các chốt giám sát mọi lối ra, vào anh em trinh sát có sáng kiến, lấy vỏ thùng bia, đóng giả như người đi chúc Tết, tránh ánh mắt hiếu kỳ của những người khác. Khi lực lượng trinh sát ập vào nhà người chị gái, Vương quá bất ngờ.
Cho đến bây giờ, Trung tá Hoài Nam cùng đồng đội vẫn không quên được cảm giác lúc đó. Họ vỡ òa trong niềm vui sướng, bao mệt mỏi lúc đó chợt biến đâu mất... Đến lúc này, đối với họ mới là một cái Tết thực sự. Bữa tất niên muộn do UBND xã An Đổ chúc mừng thành công của những cán bộ Công an phá án muộn nhưng trong lòng mỗi cán bộ niềm vui dâng trào. Một mùa xuân mới lại về, gác lại niềm hạnh phúc riêng, những cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam lại tiếp tục cống hiến để mang đến những mùa xuân tươi đẹp hơn.
Nguồn: VOV