Lần thứ 3 Vinasun và Grab đưa nhau ra tòa: Grab xin hoãn xử
Sau khi tòa tạm hoãn, nhiều tài xế Vinasun vẫn nán lại trước cổng để bàn luận về vụ việc. |
Biết tin phiên tòa sẽ diễn ra, ngay từ sớm, hàng trăm tài xế, nhân viên Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã có mặt tại đây. Họ mang theo nhiều biểu ngữ ủng hộ công ty như “Cần phải quan tâm đến sự sống còn của các doanh nghiệp nhỏ trong nước”, “Quản lý Grab như taxi”, hay “ủng hộ Vinasun kiện Grab”… hành động này diễn ra trật tự.
Nhiều tài xế Vinasun chia sẻ: Grab hoạt động như taxi truyền thống nhưng lại không bị quản lý bằng nhiều quy định ràng buộc nên họ có lợi thế lớn. Hãng này xuất hiện tại Việt Nam đã tác động mạnh đến thị trường, làm cho thu nhập của tài xế taxi truyền thống bị sụt giảm mạnh, nhiều người phải bán xe, bỏ nghề hay chuyển qua các công việc khác.
Tuy nhiên sáng nay, HĐXX cho biết phía Grab có đơn đề nghị hoãn phiên tòa để bổ sung thêm chứng cứ. Sau khi xem xét, HĐXX đã đồng ý hoãn, thời gian phiên xử tới sẽ được ấn định sau.
Trước đó phiên tòa từng diễn ra 2 lần nhưng một lần bị tạm hoãn (6/2/2018) và 1 lần bị tạm đình chỉ (7/3/2018).
Theo hồ sơ vụ việc, Vinasun khởi kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) để “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng". Vinasun khẳng định Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối, mà thực tế đã trực tiếp kinh doanh, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách.
Vinasun cho biết, trong năm 2016 và 2 quý đầu năm 2017, Vinasun đã bị mất 75 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi đó tính đến tháng 6/2017, Grab đăng ký gần 13.000 xe (Uber gần 11.000 xe), từ đó, Vinasun quy rằng Grab đã gây thiệt hại cho hãng này hơn 41 tỉ đồng.
Vinasun cũng cho rằng Grab đã “lợi dụng đề án 24” để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng với Vinasun. Công ty này yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại một lần ngay khi bản án/quyết định của tòa án có hiệu lực.
Ngoài ra, Vinasun còn dẫn phán quyết của Tòa án công lý Châu Âu (ECJ) cho rằng dịch vụ do Uber cung cấp vốn đã liên quan đến dịch vụ vận tải (Phán quyết của tòa án công lý Châu Âu - PV). Vì thế phải được phân loại là “một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” trong khuôn khổ pháp luật của EU. Do đó, Vinasun đề nghị TAND TP.HCM “quan tâm” tới phán quyết này.
Trong khi đó, tại phiên xử đầu tiên, phía Grab từng bác bỏ cáo buộc và cho rằng dịch vụ của họ đã tạo điều kiện cho hành khách đi lại dễ dàng, tạo cạnh tranh giữa các hãng, đồng thời nhận định rằng cách tính thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở.