Làm giám đốc 12 Công ty: Chưa có chế tài xử lý
Làm giám đốc 12 Công ty: Chưa có chế tài xử lý
Trước vụ việc một người lập và làm giám đốc 12/ 37 doanh nghiệp trong hơn một tháng tại TPHCM, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm.
Luật sư Phạm Văn Phất |
Hiện nhiều người còn rất mơ hồ trong việc phân biệt công ty cổ phần và công ty TNHH. Vậy sự khác nhau giữa công ty cổ phần và công ty TNHH là gì?
Đúng là hiện nay nhiều người không hiểu ý nghĩa của hai loại hình công ty này. Nhiều công ty chỉ có vài người cũng lấy tên công ty cổ phần. Vì nhiều người vẫn còn tư tưởng nghe công ty cổ phần có vẻ hoành tráng hơn công ty TNHH.
Về lý thuyết, công ty cổ phần phải có ba thành viên trở lên và có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát…
Nhưng mô hình đúng nghĩa công ty cổ phần hiện rất ít. Nhiều công ty cổ phần hiện nay chỉ có 3 người thành lập, cả ba người đều trở thành cổ đông sáng lập, rồi là hội đồng quản trị và kiêm cả công việc điều hành.
Điều quan trọng nhất của công ty cổ phần là có quyền phát hành cổ phiếu và có thể trở thành công ty đại chúng. Dưới góc độ công chúng, người ta có thể yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp thông tin về công ty cổ phần mà họ quan tâm.
Ngược lại công ty TNHH thì không được phát hành cổ phần, có tối thiểu 1 thành viên và tối đa chỉ có 50 thành viên thôi. Công ty TNHH rất riêng tư, người ta không muốn chia sẻ, không muốn thêm thành viên vào.
Luật có cho phép một người làm giám đốc của hai công ty cổ phần khác nhau?
Theo quy định, một người đang làm giám đốc của một công ty cổ phần (không phân biệt nhà nước hay tư nhân), thì không được làm giám đốc của công ty cổ phần khác.
Về lý thuyết như tôi nói ở trên, công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu, huy động cổ đông. Vì thế để bảo vệ lợi ích của công chúng, người ta phải quy định chặt chẽ đối với công ty cổ phần.
Một người có thể sáng lập và đứng tên giám đốc của hàng chục doanh nghiệp một lúc, đây có phải là điều bất bình thường?
Tôi khẳng định đây là việc làm không bình thường!
Thông thường, một doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề kinh doanh. Nếu có ý định kinh doanh nhiều ngành nghề thì họ có thể làm ngay tại một doanh nghiệp.
Ngược lại một người làm ở hai ba doanh nghiệp trở lên thì là chuyện không bình thường, vì mỗi người chỉ có thể giỏi được ở một vài lĩnh vực mà thôi.
Vậy mục đích của việc làm bất bình thường này là gì thưa ông?
Mục đích cụ thể thì chỉ riêng họ mới biết. Hiện vẫn chưa có cơ sở để khẳng định họ làm gì sai cả. Một người có thể lập nhiều doanh nghiệp mà kinh doanh bình thường thì không vấn đề gì.
Nhưng từ trước đến nay thường xảy ra tình trạng các công ty con được lập để chạy lòng vòng hóa đơn, chứng từ giao dịch với nhau.
Ngoài ra, động cơ của việc lập doanh nghiệp cũng còn nhằm mục đích đánh bóng thương hiệu. Ví dụ các doanh nghiệp đó tự ký kết hợp đồng với nhau, rồi đưa ra bên ngoài bảo tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia. Nếu cả tin thì đối tác làm ăn của họ sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Việc cấp phép hiện nay đang xuất hiện nhiều lỗ hổng. AMH |
Phải chăng việc cấp phép thành lập doanh nghiệp hiện nay quá dễ dàng?
Đây là hiện tượng mới phát sinh về mặt lý thuyết. Nếu cơ quan nhà nước hạn chế số lượng thành lập doanh nghiệp thì vi phạm quyền kinh doanh.
Nhà nước luôn tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp để nộp thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Điều quan trọng là cơ quan nhà nước phải quản lý nộp thuế, tình hình hoạt động, nếu doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh thì sẽ phải xử lý. Thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp tồn tại mà không ai quản lý, cũng không ai “khai tử” nó.
Đối với những trường hợp làm giám đốc hai công ty cổ phần trở lên sẽ phải xử lý thế nào?
Theo tôi biết có rất nhiều trường hợp một người đang làm giám đốc nhiều công ty cổ phần.
Tuy nhiên hiện luật chỉ dừng lại ở mức cấm thôi chứ chưa có chế tài xử lý. Vì thế khi phát hiện sai phạm cũng chưa biết xử lý thế nào. Trên thực tế cũng chưa có người đi kiểm tra, rà soát việc này.
Một người lập 37 doanh nghiệp trong hơn một tháng và làm giám đốc 12 công ty cổ phần. Phải chăng đây là lỗ hổng lớn trong việc cấp phép quản lý?
Trường hợp này đúng sai đã quá rõ ràng. Việc đăng ký kinh doanh ở đây thực sự có vấn đề. Vi phạm này cũng rất khó hiểu và chưa từng xảy ra. Trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cụ thể là Sở KHĐT.
Nguyễn Dũng